Hàng nghìn người tràn vào tòanhà Quốc hội Kenya, chính trị gia tháo chạy
AP đưa tin, một phần tòa nhà Quốc hội Kenya đã bốc cháy trong ngày 25/6 (theo giờ địa phương) sau khi hàng nghìn người biểu tình phản đối dự luật tài chính mới tràn vào, khiến các nhà lập pháp bên trong tòa nhà Quốc hội phải tháo chạy. Đây được xem là "cuộc tấn công trực diện nhất nhằm vào chính phủ Kenya" trong nhiều thập kỷ qua.
Các phóng viên có mặt tại hiện trường cho biết, ít nhất có 3 thi thể ở bên ngoài khu phức hợp tòa nhà Quốc hội, nơi cảnh sát nổ súng để ngăn chặn dòng người biểu tình.
Hình ảnh cuộc bạo loạn tại Kenya. Nguồn: CBC, NBC
Theo hãng thông tấn Mỹ, những người biểu tình yêu cầu các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại dự luật gây tranh cãi, trong đó áp đặt thêm nhiều loại thuế mới đối với người dân Kenya. Hàng nghìn người tràn qua hàng rào chắn của cảnh sát để xông vào tòa nhà Quốc hội ngay sau khi các nhà lập pháp của nước này bỏ phiếu thông qua dự luật.
Phần lớn các chính trị gia Kenya đã phải tháo chạy qua một đường hầm, chỉ những người đối lập bỏ phiếu chống lại dự luật mới được người biểu tình cho đi ra khỏi tòa nhà bị bao vây theo lối cửa chính.
Văn phòng thống đốc Nairobi – một thành viên của Đảng cầm quyền Kenya cũng bị cháy. Văn phòng này nằm gần tòa nhà Quốc hội, buộc cảnh sát phải huy động vòi rồng để dập tắt đám cháy.
Súng đã nổ, quân đội được huy động
Theo AP, cảnh sát cũng đã bắn đạn thật và xịt hơi cay vào những người biểu tình tại một lều y tế được dựng ở nhà thờ gần khu phức hợp tòa nhà Quốc hội. Ủy ban Nhân quyền Kenya đã công bố đoạn video quay cảnh các sĩ quan cảnh sát bắn vào người biểu tình và tuyên bố họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm nhân quyền này.
Trong phát biểu ngày 25/6 trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết, an ninh là "ưu tiên hàng đầu" của ông sau khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật tăng thuế trở thành hành động bạo lực.
"Không thể tưởng tượng được những tên tội phạm giả vờ là những người biểu tình ôn hòa lại có thể gây ra nỗi kinh hoàng chống lại người dân", ông Ruto nói, đồng thời cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng đối với đợt bạo loạn mà ông gọi là "các hành động phản quốc".
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, lực lượng vũ trang Kenya đã được huy động để hỗ trợ cảnh sát trấn áp biểu tình.
"Lực lượng vũ trang Kenya đã được huy động trong ngày 25/6 để hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Quốc gia ứng phó tình trạng khẩn cấp do các cuộc biểu tình xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau trên lãnh thổ Kenya, gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng quan trọng" – Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Aden Duale thông báo qua mạng xã hội X.
Theo Hiệp hội y tế Kenya ngày 25/6, đã có ít nhất 5 người bị bắn chết khi đang điều trị cho người biểu tình, thêm 31 người khác bị thương, trong đó có 13 người bị bắn bằng đạn thật và 4 người bị bắn bằng đạn cao su. Hiệp hội y tế kêu gọi chính phủ Kenya thiết lập ngay hành lang y tế an toàn để bảo vệ nhân viên y tế và xe cứu thương.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Đài truyền hình địa phương KTN cho biết, số người thiệt mạng đã lên tới ít nhất 10 người.
Hình ảnh cuộc bạo loạn tại Kenya. Nguồn: Guardian
Nga ra thông báo khẩn
Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Kenya, theo hãng thông tấn TASS, Đại sứ quán Nga tại Nairobi đã ra thông báo khẩn, khuyến cáo công dân Nga đề phòng và tránh tới những nơi đông người liên quan tới các cuộc biểu tình.
Thư ký báo chí Đại sứ quán Sergei Fomenko cho biết, hiện tại, Đại sứ quán Nga chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ công dân Nga, tuy nhiên, "tình hình ở Kenya rất căng thẳng. Đại sứ quán Nga kêu gọi công dân Nga ở Kenya tránh những nơi đông người ở thủ đô Nairobi và những thành phố khác, đề phòng và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình".
Theo TASS, các cuộc biểu tình phản đối dự luật áp dụng thuế bổ sung đã bùng nổ ở Kenya từ ngày 18/6 và lan rộng khắp cả nước. Việc người biểu tình tràn vào Tòa nhà Quốc hội Kenya được xem là diễn biến nghiêm trọng nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Cảnh sát nổ súng trấn áp người biểu tình ở Kenya. Nguồn: Channel 4
Theo hãng thông tấn Anadoulu (Thổ Nhĩ Kỳ), ngoài mối quan hệ với Nga, Kenya còn là quốc gia Đông Phi đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Mới đây nhất, vào ngày 24/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Kenya là "đồng minh lớn của Mỹ bên ngoài NATO".
Với động thái của ông Biden, Kenya trở thành quốc gia châu Phi cận Sahara đầu tiên được công nhận vị thế này.
Ông Biden lần đầu công bố quyết định nâng Kenya lên vị thế đồng minh lớn vào tháng 5 vừa qua, khi tiếp đón Tổng thống Kenya William Ruto tại Nhà Trắng nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ giữa hai nước.
Anadoulu nhận định, quyết định trên cho thấy Washington dang tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.