Trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới nhất đã bổ sung rõ cơ chế chia sẻ cả tăng và giảm doanh thu, đối tượng và điều kiện chặt chẽ hơn. Mục tiêu là để chỉ rõ đâu là rủi ro và có cơ chế chia sẻ đúng đối tượng, tránh nhà nước phải gánh vác trách nhiệm thay nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư.
Đồng thời, khi hoàn thiện pháp luật, sẽ là cơ sở để nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư đối với các dự án theo hình thức PPP trong tương lai, khi nguồn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng khó khăn.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giao thông Phương Thành, phân tích: “Nguyên tắc của hợp đồng PPP là nhà đầu tư lời ăn, lỗ chịu.
Vấn đề là đối với các dự án PPP giao thông thì con số lưu lượng dự báo. Chính vì vậy, đây là biến số lớn. Do vậy, đối với các nhà đầu tư cũng như kinh nghiệm của các nước thì 10% biến số về lưu lượng này có sự chia sẻ của nhà nước.
Đây không phải là lời ăn, lỗ chịu mà Nhà nước tham gia đối với các dự án PPP trong trường hợp này là hình thức chia sẻ rủi ro, việc này cần phải được giám sát chặt chẽ”.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan, bộ, ngành. Trong phiên họp thường vụ Quốc hội mới đây, Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Sau đó, Chính phủ cũng đề nghị phương án tiếp thu ý kiến các ĐBQH theo hướng: phân biệt cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu và chia sẻ khi tăng doanh thu.
Trong dự thảo, tất cả các dự án PPP đều áp dụng cơ chế chia sẻ khi tăng doanh thu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP.
Đối với trường hợp giảm thu, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết tại hợp đồng nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính đối với trường hợp tăng thu; không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính đối với trường hợp giảm thu.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục đấu thầu, Bộ KHĐT cho rằng: “Theo tôi, cơ chế chia sẻ là 50-50. Quan trọng là nhà nước cần phải xem xét dự án nào thực sự cần thu hút PPP.
Tuy nhiên, dự thảo luật đang có vấn đề là nguồn nào để chia sẻ? Kinh nghiệm các nước lập quỹ ứng phó với rủi ro xảy ra và Việt Nam hiện nay quỹ này chưa hiệu quả nhưng cần có để ứng phó khi rủi ro xảy ra”.
Điểm mới trong Dự thảo Luật cũng quy định cơ chế phần tăng, giảm doanh thu phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, bổ sung nội dung về kiểm soát doanh thu: định kỳ hàng năm, các bên xác nhận doanh thu thực tế của dự án PPP; định kỳ 3 năm, các bên xác định phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng của dự án PPP căn cứ số liệu hàng năm, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Một số ý kiến cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro khi hụt thu sẽ tạo kẽ hở cho nhà đầu tư tìm cách lách để được chia sẻ, Nhà nước phải bỏ tiền ra bù đắp cho những tổn thất khống về doanh thu khi nhà đầu tư dùng thủ đoạn tinh vi để gian lận doanh thu thực tế hoặc là do năng lực của nhà đầu tư yếu kém.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nêu quan điểm cần phải làm rõ khái niệm rủi ro, tránh tạo kẽ hở: “Cơ chế chia sẻ rủi ro đã nêu trong dự thảo Luật PPP. Tôi cho rằng cần phải làm rõ 3 vấn đề: Tiêu chí nào để chia sẻ rủi ro? Thứ hai, trong trường hợp rủi ro xảy ra thì Chính phủ lấy nguồn nào để xử lý rủi ro? (Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên thành lập Quỹ); Thứ ba là cần quy định chủ đầu tư và địa phương tham gia dự án PPP phải có cơ chế giám sát như thế nào, chứ không thể tạo kẽ hở để quá nhiều rủi ro xảy ra”.
Như vậy, ý kiến chung của các chuyên gia, nhà quản lý chính là cần có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, theo đúng bản chất đối tác công – tư.
Vấn đề còn lại chính là việc quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, nguồn kinh phí để xử lý khi rủi ro xảy ra, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính cho các dự án PPP, để thu hút được nguồn vốn này đầu tư vào các dự án vì lợi ích công trong thời gian dài tới đây.
Điều này cũng là cơ sở để khắc phục những bất cập của hình thức thu hút các dự án BOT giao thông thời gian qua và mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước vào các hoạt động đầu tư trong giai đoạn tới./.