Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Vinaxuki Thanh Hóa

Nguyễn Hữu Phương |

Dự án sản xuất ô tô Vinaxuki đầy tham vọng, nhưng không thể phát triển như kỳ vọng và đã phải nhường chỗ cho một dự án khác hứa hẹn tại xứ Thanh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Tỉnh này đã đồng ý việc chấm dứt hoạt động dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc - Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa).

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án trên của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư số 26121000030 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 26/10/2010.

Động thái trên của tỉnh Thanh Hóa chỉ còn là một bước thủ tục mang tính chất hành chính đơn thuần theo quy định, bởi thực tế, dự án Vinaxiki Thanh Hóa đã là "một con tàu đắm chìm dưới đại dương" từ chục năm trước.

Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Vinaxuki Thanh Hóa  - Ảnh 1.

Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa chỉ còn là những nhà xưởng "hoang phế".

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, của Công ty Vinaxuki Thanh Hóa, được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đăng ký 1.360 tỷ đồng. Mục tiêu là sản xuất, lắp ráp các loại ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi và các loại ô tô du lịch (xe con).

Bước ngoặt với Công ty Vinaxuki Thanh Hóa, có lẽ tới từ quyết định từ bỏ việc lắp ráp xe tải đơn thuần và đang có sự phát triển tốt để chuyển một lượng vốn lớn định hướng sang chế tạo, sản xuất xe con với tỉ lệ nội địa cao đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

Theo một số chuyên gia, khi đi theo con đường này, công ty thiếu cả kinh nghiệm sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh trong thời điểm đó.

Đồng thời, giai đoạn công ty bắt đầu chuẩn bị đi vào hoạt động (năm 2011), cũng là giai đoạn mà tình hình tài chính thế giới cũng như Việt Nam có nhiều biến động tiêu cực, khủng hoảng, dẫn tới thị trường tiêu thụ ô tô bị đình trệ, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn kèm lãi suất cao.

Chỉ sau 2 năm hoạt động, tới năm 2013, nhà máy đã bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang đến nay. Từ một công ty đi đầu về lắp ráp ô tô, có kết quả kinh doanh ban đầu tốt với số vốn nghìn tỉ, Vinaxuki đã rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay.

Trong một chia sẻ với báo giới ông Huyên cho rằng. “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô”.

Trong diễn biến khác, sáng 22/2, tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu - Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) đã tổ chức Lễ khởi công, Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng.

Theo đó, đây là dự án bao gồm tổ hợp nhiều nhà máy với các chức năng đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... được xây dựng trên cơ sở khuân viên 45,6 héc-ta của nhà máy Vinaxuki cũ.

Trong giai đoạn I, dự án sẽ được đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, với công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe trong năm đầu tiên và dự kiến đạt 30.000 xe/năm khi hoạt động với 100% công suất. Trong đó, thị trường mục tiêu mà công ty hướng tới chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án Vinaxuki Thanh Hóa  - Ảnh 2.

Dự án Vinaxuki Thanh Hóa đã được thay tên mới.

Với sản lượng tiêu thụ trên, dự án khi ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương với mức lương khởi điểm gần 6,1 triệu đồng/người/tháng với đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao việc Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã khắc phục khó khăn để triển khai khởi công một công trình lớn về quy mô, có khả năng giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, tạo thêm động lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, ông Lam cũng đề nghị phía Công ty cần tập trung nhân lực thi công, đảm bảo nguồn lực về vốn, máy móc để dự án triển khai đúng tiến độ và nếu có vướng mắc thì kịp thời thông tin để tháo gỡ.

Trước đó, ngày 24/6/2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa), có địa chỉ tại hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Đồng thời, cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê khu đất trên để tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng.

Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được Nhà nước cho thuê đất và thu tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất được tính từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 26/10/2059 (thời hạn thuê đất còn lại theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại