Từ ngày 8-4, khi thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) thiết lập vùng cách ly y tế, UBND huyện Mê Linh đã triển khai phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho 10.872 người thuộc 2.973 hộ trong thôn. Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, mỗi ngày huyện dự trù 3.300kg gạo; 2.200kg thịt lợn, gà, vịt; 6.700kg rau, củ, quả; 50 lít sữa… bảo đảm cho người dân thôn Hạ Lôi sinh hoạt bình thường trong thời gian cách ly. Cũng theo ông Phạm Thành Đô, với sản lượng hằng năm đạt 30.000 tấn gạo, 90.000 tấn rau xanh, hơn 12.600 tấn thịt lợn, 2.500 tấn thịt gia cầm…, huyện Mê Linh có thể chủ động phần lớn hàng hóa thiết yếu tại chỗ.
Tại quận Thanh Xuân, 11/11 phường đã xây dựng kịch bản bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19. UBND quận cũng lên danh mục 17 nhóm hàng hóa thiết yếu, trong thời gian từ 1 đến 3 tháng, nếu xảy ra dịch cấp độ 5 (trên địa bàn có từ trên 100 đến 300 trường hợp mắc Covid-19). Phương án bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân khi có dịch và người dân khu vực cách ly với 5 cấp độ cũng đã được UBND quận Hà Đông ban hành. Khi đó, hệ thống 171 nhà văn hóa, nhà hội họp nằm trong các khu dân cư được trưng dụng làm kho hoặc điểm bán hàng. Trong khi đó, huyện Thường Tín cũng dự trù 16 nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 260 nghìn người trong toàn huyện (nếu thực hiện cách ly 28 ngày), với tổng giá trị 2.212 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm nhu yếu phẩm ứng phó với dịch Covid-19 và tiếp tục bổ sung để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, ở cấp độ cao nhất, cấp độ 5, số lượng người mắc Covid-19 lớn, các địa phương vẫn có thể chủ động nguồn hàng hóa, không để người dân thiếu những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày.