Ngay khi cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 27/2 mà không có đột phá, báo chí và giới chuyên gia một số nước Trung Âu đã có phân tích về vấn đề này.
Tờ Nhân Dân của Séc có bài phân tích với một loạt câu hỏi được đặt ra như kết quả của cuộc đàm phán có ý nghĩa như thế nào với Mỹ và Triều Tiên khi cả hai rời khỏi bàn đàm phán mà không có thỏa thuận trong tay, hay liệu đàm phán song phương sắp tới có diễn ra hay không và khi nào thì diễn ra. Theo Martin Hampejs, tác giả bài báo, sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề và những yêu cầu đặt ra vênh nhau cho thấy giữa hai bên vẫn còn một khoảng cách lớn.
Nhìn nhận về kết quả cuộc đàm phán, Tiến sĩ Triết học Marcin Jacoby thuộc Trường Đại học khoa học và Xã hội nhân văn Warsaw (Ba Lan) cho rằng giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thiện chí đối thoại và hợp tác của các bên. Vấn đề này không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai, và cũng không chỉ riêng bản thân Mỹ và Triều Tiên đồng ý là xong chuyện mà còn cần phải xem xét lợi ích của Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản - nước vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với chính sách của Mỹ tại châu Á.
Bên cạnh đó cũng cần phải kể tới vai trò quan trọng của Nga và Trung Quốc trong đó. Chính vì vậy, Tiến sĩ Jacoby nhận định việc hài hòa các mối quan hệ và lợi ích ràng buộc đó không hề đơn giản, và quá trình tiếp theo vẫn sẽ là các cuộc gặp song phương và chúng phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí hòa giải cũng như nhượng bộ của các bên.
Đăng tải nổi bật về kết quả của cuộc gặp, báo chí Hungary trích dẫn nhận xét của Tổng thống Mỹ rằng không phải cuộc đàm phán không có dấu hiệu tích cực khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cam kết tiếp tục ngưng các cuộc thử tên lửa đạn đạo. Trong khi đó Tổng thống Mỹ cũng nói rằng mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Kim Jong Un đang được cải thiện, và phía Mỹ cũng để ngỏ khả năng về việc tổ chức cuộc đàm phán sắp tới.
Việc hai bên chưa tìm được tiếng nói chung lần này cũng được các chuyên gia phân tích mổ xẻ. Ông Béla Háda, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng chiến lược của Hungary, chỉ ra rằng chính cách diễn đạt chung chung, không rõ ràng thời gian biểu hay mỗi bên phải làm gì trong tuyên bố chung đạt được tại Singapore năm ngoái đã làm công đồng quốc tế nuôi quá nhiều hy vọng vào cuộc đàm phán lần này. Dù cho bầu không khí đe dọa lẫn nhau không còn căng thẳng trong vài tháng qua, nhưng các cuộc đàm phán rốt cục vẫn bế tắc ở hai điểm: giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra như thế nào và đổi lại Triều Tiên sẽ nhận được những gì. Vì chưa rõ ràng và cả hai cố ép lịch trình nên kết quả không được như ý muốn.
Ngoài việc phản ánh sự kiện, một số phương tiện truyền thông khu vực cũng dành lời khen cho sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam cũng như sự thân thiện của người dân địa phương. Đặc phái viên Wojciech Cegielski của Đài phát thanh Ba Lan tường thuật từ Hà Nội cho biết việc lựa chọn Hà Nôi là nơi diễn ra cuộc gặp lần thứ hai cho thấy sự tin tưởng của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên vào nơi được công nhận là Thành phố vì hòa bình của thế giới. Ông đã phỏng vấn một số người dân Hà Nội, diễn tả hy vọng tinh thần hòa bình sẽ thắng thế và rằng sẽ không còn vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Ông cho rằng việc lựa chọn địa điểm là Việt Nam cũng có ý nghĩa của nó bởi trong vòng ba thập kỷ qua Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có sức tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực./.