Báo cáo: Mỹ tụt hậu hơn 1 thập kỷ so với Trung Quốc trong lĩnh vực có thể góp phần định hình tương lai năng lượng

Yến Nguyễn |

Báo cáo của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) nhận định Trung Quốc đang đi trước Mỹ tới 15 năm trong phát triển các lò phản ứng hạt nhân.

Báo cáo: Mỹ tụt hậu hơn 1 thập kỷ so với Trung Quốc trong lĩnh vực có thể góp phần định hình tương lai năng lượng- Ảnh 1.

Một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc từ 10-15 năm trong việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Theo báo cáo do Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) của Mỹ công bố hôm Chủ nhật, Trung Quốc hiện có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được phát triển. Mỗi lò phản ứng trung bình mất 7 năm để đi vào hoạt động, nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.

Viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết, từ năm 2008 đến 2023, tỷ lệ bằng sáng chế hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 1,3% lên 13,4%. Nước này hiện dẫn đầu về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Sự phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh trong lĩnh vực này là nhờ một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm phát triển năng lượng hạt nhân, bao gồm cấp vốn lãi suất thấp, ưu đãi thuế và pháp lý thuận lợi, ITIF đánh giá.

“Trong tương lai, Trung Quốc có thể xuất khẩu lò phản ứng có tính cạnh tranh cao, giống như thành quả nước này đã đạt được trong các lĩnh vực khác, bao gồm xe điện và pin”, viện nghiên cứu cho biết.

Theo viện nghiên cứu, quan điểm phổ biến cho rằng Trung Quốc là “máy sao chép” và Mỹ là một “nhà đổi mới” khiến Mỹ dường như thiếu thận trọng với chính sách công nghiệp.

“Đầu tiên, quan niệm này là sai lầm vì Mỹ có thể đánh mất vị trí dẫn đầu vào tay Trung Quốc nhờ chi phí sản xuất rẻ hơn, như chúng ta đã thấy ở nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, bao gồm điện tử tiêu dùng, chất bán dẫn, tấm pin mặt trời, thiết bị viễn thông, máy móc và sắp tới có thể là năng lượng hạt nhân”, báo cáo nhận định.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia đứng đầu về sản xuất điện hạt nhân, trên Pháp và Trung Quốc, với 94 lò phản ứng và chiếm khoảng 1/3 sản lượng toàn cầu.

Nhưng trong thập kỷ qua, nước này chỉ xây dựng hai lò phản ứng mới nhưng đều bị chậm tiến độ và vượt ngân sách hàng tỷ USD. Trong khi đó, vào tháng 12/2023, Trung Quốc đã ra mắt lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới, sử dụng khí heli để làm mát thay vì nước.

Trong một báo cáo ra mắt vào tháng 10/2023, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự đoán công suất sản xuất điện hạt nhân có thể gia tăng mạnh mẽ trong 3 thập niên tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong kịch bản thuận lợi, IAEA dự đoán sản xuất điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, tổng công suất lắp đặt tăng lên mức 890 GW vào năm 2050 so với tổng công suất lắp đặt 369 GW tính đến thời điểm ra mắt báo cáo.

Tham khảo: Aljazeera

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại