Trong thập kỷ qua, Trung Quốc mạnh tay chi hàng tỷ đô la Mỹ để viện trợ và cấp vốn phát triển hạ tầng cho các đảo quốc Thái Bình Dương, trong nỗ lực tạo ảnh hưởng ở nơi vốn được coi là sân sau của Úc.
Trong báo cáo vừa công bố, Viện Lowy của Úc nói rằng Bắc Kinh hiện nay đang giảm bớt “vung tiền”, chuyển sang tập trung vào các quốc gia “thân thiện với Trung Quốc” như Quần đảo Solomon và Kiribati.
Theo báo cáo, chi tiêu của Trung Quốc ở Thái BÌnh Dương đạt đỉnh vào năm 2016, với 384 triệu USD, nhưng giảm xuống chỉ còn 241 triệu USD năm 2021.
Alexandre Dayant, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng điều này cho thấy sự “dịch chuyển chiến lược để giảm rủi ro” và “củng cố quan hệ chính trị”.
Quần đảo Solomon và Kiribati đều cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan để chuyển sang Bắc Kinh từ năm 2019, sau một thời gian Trung Quốc triển khai chính sách tấn công quyến rũ.
Từ đó, Trung Quốc rót tiền cho nhiều dự án hạ tầng lớn ở hai đảo quốc này. Năm ngoái, Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận an ninh bí mật với Quần đảo Solomon, khiến Canberra và Washington vô cùng lo lắng.
“Hoạt động cấp vốn của Trung Quốc ở khu vực này đã chuyển từ giai đoạn ồn ào và vung tay sang thu hẹp, tập trung một cách chiến lược vào các đảo quốc Thái Bình Dương thân thiện với Bắc Kinh”, báo cáo viết.
Sự quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực này khiến Úc cũng tăng đáng kể đầu tư cho các đảo quốc láng giềng. Úc vẫn là nhà tài trợ lớn nhất ở khu vực, theo sau là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản.
Theo Reuters