Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc: Thế giới trong 10 năm tới sẽ thay đổi cực kỳ mạnh mẽ

Bảo Nam |

Có tới 3,6 tỷ người - gần một nửa dân số thế giới - rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới, và bạn có thể không nằm ngoài con số này.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao mang đến những mối đe dọa nghiêm trọng, chẳng hạn như lũ lụt, chấn thương do nắng nóng, khan hiếm nước và nạn đói, khiến 3,6 tỷ người - gần một nửa dân số thế giới - rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Đó là kết quả theo một báo cáo lớn, được công bố hôm thứ Hai, từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Đây là cơ quan của Liên hợp quốc, nơi tuyển dụng hàng trăm nhà khoa học trên toàn cầu để tổng kết nhiều năm nghiên cứu về khủng hoảng khí hậu.

“Chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp trước một thảm họa", Inger Andersen, giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết. "Biến đổi khí hậu không rình rập xung quanh để sẵn sàng tấn công, nó đã xảy ra với chúng ta, trút xuống như mưa tới hàng tỷ người."

Khí thải do con người gây ra đã khiến hành tinh nóng lên 1,1 độ C trong 170 năm qua. Báo cáo cho biết nghiên cứu về mức độ nóng lên từ 1,5 độ C trở lên có thể làm thay đổi đáng kể sức khỏe thể chất, nguồn cung cấp thực phẩm và nước của con người. Cùng với đó là sự sẵn có của những nơi an toàn để sinh sống và sự tồn tại của các loài động vật.

Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc: Thế giới trong 10 năm tới sẽ thay đổi cực kỳ mạnh mẽ - Ảnh 1.

Một phụ nữ giải nhiệt với quạt phun sương trong đợt nắng nóng gay gắt tại nơi diễn ra giải quần vợt Úc mở rộng tại Melbourn, ngày 15/1/2014.

Dưới đây là một số kết quả chính của báo cáo:

Đến năm 2050, hơn 1 tỷ người ở các thành phố ven biển thấp và các đảo nhỏ sẽ phải đối mặt với nguy cơ khí hậu do nước biển dâng.

Nếu toàn cầu nóng lên dưới 1,5 độ C, trẻ em từ 10 tuổi trở xuống tính đến năm 2020 có thể trải qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tăng gần 4 lần vào năm 2100.

Tỷ lệ người tiếp xúc với các đợt nắng nóng chết người (say nắng) có thể tăng từ 30% lên 76% vào cuối thế kỷ này.

Toàn cầu nóng lên dưới 2 độ, từ 800 triệu đến 3 tỷ người có thể gặp phải tình trạng khan hiếm nước triền miên do hạn hán. Con số đó có thể lên tới 4 tỷ người nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ.

Tám triệu đến 80 triệu người sẽ thiếu đói vào năm 2050. Theo kịch bản ấm lên ngày càng cao, thêm 183 triệu người ở các nước thu nhập thấp có thể bị thiếu dinh dưỡng do biến đổi khí hậu.

Nếu trái đất nóng lên dưới 2 độ, có tới 18% các loài trên đất liền có nguy cơ tuyệt chủng cao vào năm 2100. Nếu nóng lên dưới 4 độ, một nửa số loài động thực vật của chúng ta có thể bị đe dọa.

Bản báo cáo công bố hôm thứ Hai vừa qua là phần thứ hai trong loạt 6 báo cáo đánh giá của IPCC. Phần đầu tiên, được phát hành vào năm ngoái, tập trung vào những thay đổi vật lý đối với hành tinh. Báo cáo mới đánh giá những thay đổi đó sẽ tác động đến con người và hệ sinh thái như thế nào.

Trong khi một số kết quả mang tính thảm họa này có thể ngăn ngừa được, thì một số hậu quả khác lại trở nên rất khó khăn để sửa chữa. Phần báo cáo năm ngoái của IPCC cho thấy các sông băng sẽ tiếp tục tan chảy và nước biển sẽ tiếp tục dâng cao trong hàng trăm hoặc hàng nghìn năm nữa.

"Thế giới chúng ta đang sống ngày nay sẽ không phải là thế giới chúng ta đang sống trong 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí 20 năm nữa", Debra Roberts, đồng tác giả của báo cáo IPCC, cho biết tại cuộc họp báo. "Chúng ta phải cảnh giác nhiều hơn nữa về các hành động của mình."

Làm thế nào để thế giới có thể thích ứng?

Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc: Thế giới trong 10 năm tới sẽ thay đổi cực kỳ mạnh mẽ - Ảnh 2.

Một đồn điền đậu nành bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Espumoso, bang Rio Grande do Sul, Brazil, vào ngày 10/1/2022.

Chính phủ và các ngành công nghiệp đã thực hiện một số biện pháp để thích ứng với khí hậu mới và chuẩn bị cho các tác động sắp tới. Ví dụ, ngành nông nghiệp đang cải thiện rộng rãi các biện pháp tưới tiêu để chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu. Và ở một số vùng như Tây Phi, nông dân đang trồng nhiều loại cây chịu hạn hơn.

Nhưng, báo cáo của IPCC kết luận rằng những thay đổi này không đủ để bảo vệ hệ sinh thái và con người khỏi sự tấn công của thời tiết khắc nghiệt, với việc đại dương dâng cao cũng như tình trạng thiếu lương thực và nước.

Báo cáo khuyến nghị khôi phục các vùng đất ngập nước dọc theo vùng ngập lũ để hấp thụ nước lũ, và trồng cây ven sông để tạo bóng mát và tránh cho chúng bị khô cạn. Nông dân cũng có thể cân nhắc việc đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi để không phụ thuộc vào một nguồn thức ăn duy nhất.

Thêm không gian xanh cho các mái nhà và tường ở các thành phố có thể giúp hạ nhiệt độ và giảm nước mưa chảy tràn. Công viên và ao hồ có thể giúp giảm thiểu cái nóng khắc nghiệt ở các khu vực đô thị. Và một loạt các nguồn năng lượng tái tạo, như gió, năng lượng mặt trời và thủy điện, có thể hỗ trợ người dân ở nông thôn đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.

"Điều khó khăn là không có 'viên đạn bạc' nào cả. Không có một hành động nào có thể giải quyết được mọi thứ", David Dodman, tác giả chính của báo cáo cho biết.

Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc: Thế giới trong 10 năm tới sẽ thay đổi cực kỳ mạnh mẽ - Ảnh 3.

Người dân lội qua dòng nước lũ do bão nhiệt đới Harvey ở Beaumont Place, Houston, Texas ngày 28/8/2017.

Vì mỗi khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên nửa độ, chúng đều mang lại những hậu quả lớn. Các chính phủ và các ngành công nghiệp có thể giảm đáng kể sự đau khổ của con người trong tương lai và sự sụp đổ hệ sinh thái bằng cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay từ bây giờ.

Nhưng, điều đó cũng có nghĩa là có rất ít thời gian để lãng phí.

"Thế giới hiện đang thiếu chuẩn bị cho những tác động của biến đổi khí hậu sắp tới, đặc biệt là khi tăng trên 1,5 độ C", báo cáo của IPCC cho biết thêm. "Ở mức độ ấm lên cao hơn, hiệu quả của hầu hết các phương án thích ứng dựa trên đất và nước bắt đầu giảm, và mức độ rủi ro tồn đọng tăng lên, cũng như khả năng xảy ra các hậu quả không mong muốn trong tương lai."

Nhiệt độ tăng cao có thể khiến hàng triệu người phải di tản

Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc: Thế giới trong 10 năm tới sẽ thay đổi cực kỳ mạnh mẽ - Ảnh 4.

Một người phụ nữ thu thập ngũ cốc tại một trại dành cho những người di cư ở quận Adadle, vùng Somali của Ethiopia vào ngày 22/1/2022.

Nếu nhiệt độ toàn cầu nóng lên vượt quá 2 độ, các thành phố ven biển thấp và một số vùng núi hoặc vùng cực có thể gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cuộc sống của con người.

Những thay đổi về nhiệt độ, mực nước biển và nguồn cung cấp thực phẩm hoặc nước đã buộc mọi người phải di dời nơi định cư trên mọi lục địa.

Ví dụ, nhiều người di chuyển từ các vùng nông thôn của Mexico vào các thành phố trong thời gian hạn hán. Một số cộng đồng ở Alaska đang lập kế hoạch tái định cư khi lũ lụt xâm lấn vào nhà của họ. Theo báo cáo, hạn hán cũng đang thúc đẩy di cư ở khu vực cận Sahara ở châu Phi, cũng như các khu vực của Nam Á và Nam Mỹ.

Các tác giả của IPCC cũng cho rằng sẽ có nhiều cộng đồng ở Bắc Cực, đặc biệt là người bản địa, phải di cư vì băng tan cản trở khả năng sinh sống và săn bắn của họ.

Báo cáo cũng dự đoán rằng hàng trăm triệu người sẽ có nguy cơ phải di dời liên quan đến khí hậu vào nửa sau của thế kỷ 21. Và cuối cùng, mọi người có thể phải trả một khoản phí bảo hiểm để sống ở những nơi an toàn về khí hậu.

Tham khảo BI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại