Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu đưa Trung Quốc lên vị trí số 1 thế giới về các lĩnh vực tân tiến nhất, nhưng đã quên mất những điều rất đỗi căn bản, tờ Sydney Morning Herald (SMH - Australia) bình luận.
Cụ thể, SMH cho rằng trong khi Bắc Kinh mải tìm cách đạt được những tiến bộ trong ngành máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và làm chủ không gian, thì quốc gia này đã lãng quên một trong 4 khái niệm được coi là nền tảng của vật lý: Đó là định luật III của Isaac Newton về hai vật tương tác nhau sẽ chịu lực tác động bằng nhau nhưng ngược chiều.
Vì sao Định luật III lại được nhắc đến trong bài viết này? Theo SMH, khi Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh tham vọng thống trị toàn cầu, thì sự phản đối mà nước này nhận được sẽ ngày càng gia tăng. Sự phản đối này không chỉ đến từ phía Mỹ, mà còn từ nhiều quốc gia, cá nhân và thực thể khác.
"Mối đe dọa" mang tên Trung Quốc
Một trong những đối tượng đã "tỉnh ngộ" gần đây là Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg. Trước đây, mục tiêu của NATO là bảo vệ châu Âu trước Nga. Thế nhưng ông Stoltenberg mới đây đã nêu đích danh Trung Quốc là một "mối đe dọa". Trong một bài diễn văn đáng chú ý tuần trước, ông Stoltenberg đã nhận định rằng "mối đe dọa" Trung Quốc quá lớn khiến Mỹ không thể tự mình chống đỡ.
Theo Tổng Thư ký NATO, Trung Quốc vẫn chưa phải là "kẻ thù", nhưng nước này đã được coi là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu: "Họ [Trung Quốc] là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới. Họ đang đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các loại khí tài hiện đại, trong đó bao gồm các loại tên lửa có khả năng tấn công các nước đồng minh NATO".
Và, như tạp chí The Economist đã đặt tiêu đề cho bài báo của mình: "NATO đã 'để mắt' tới Trung Quốc".
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Lí do khiến NATO cảm thấy nguy hiểm, đó là vì sức ảnh hưởng của Trung Quốc không còn dừng lại ở khu vực châu Á, mà Trung Quốc đã "tiến gần hơn" đến khu vực của NATO, theo ông Stoltenberg: "Chúng ta thấy quân đội Trung Quốc hiện diện ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Và họ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Nga. Tất cả những điều này đều đe dọa an ninh của NATO".
Theo SMH, một điều có thể khẳng định chắc chắn là bài phát biểu của ông Stoltenberg có ít nhiều ảnh hưởng từ những diễn biến chính trị gần đây, bởi Mỹ là thành viên chủ chốt của NATO, nên ông này biết rằng việc nêu tên Trung Quốc là mối quan ngại an ninh sẽ giúp ông lấy được lòng Washington.
Nhưng không chỉ có Washington. Nhiều cường quốc Tây Âu gần đây cũng đã ngày càng cảnh giác trước những ý định của Bắc Kinh. Ví dụ, Đức đã sửa đổi các luật lệ của mình để tăng cường bảo vệ các công ty Đức trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm.
Anh cũng đang suy nghĩ lại về việc hợp tác với "gã khổng lồ" viễn thông của Trung Quốc, tập đoàn Huawei. Các nghị sĩ Anh đã nổi giận vì cách Bắc Kinh phản ứng trước đại dịch và họ đã yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson phải xem xét về việc Huawei tham gia vào mạng 5G của Anh.
Bất chấp những yếu tố chính trị, việc NATO coi Bắc Kinh là một trong những mối quan ngại trọng tâm là một bước ngoặt mang tính lịch sử, SMH bình luận.
Thậm chí, ông Stoltenberg còn đưa ra lời bình luận có thể khiến bất kỳ Tổng thống Mỹ nào phật ý: "So với Trung Quốc, Mỹ thậm chí không phải là nền kinh tế lớn nhất. Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ đang dẫn đầu trong việc đầu tư vào nhiều công nghệ tiên tiến, trong đó bao gồm các lĩnh vực như máy tính lượng tử hay trí tuệ nhân tạo... Điều quan trọng hơn cả là chúng ta - Bắc Mỹ và châu Âu phải cùng hợp lực - vì chúng ta không thể xử lý điều này đơn độc".
Ông Stoltenberg đã kêu gọi NATO cần hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia dân chủ phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, như "Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, để bảo vệ các quy tắc và thể chế toàn cầu đã bảo vệ chúng ta an toàn trong nhiều thập kỷ".
Bên cạnh đó, SMH cũng đã đề cập tới nhóm các quốc gia G7, vốn được cho là không mấy quan tâm về Trung Quốc, nhưng gần đây đã trở nên ngày càng lo lắng nhiều hơn trước.
Theo đó, nhóm 7 quốc gia có kỹ nghệ tiên tiến này thường thảo luận về vấn đề kinh tế, nhưng tuần trước Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất rằng kỳ họp thượng đỉnh tiếp theo của nhóm này nên đưa ra một bản tuyên bố nhằm lên án việc Trung Quốc dự định thông qua dự luận an ninh quốc gia dành riêng cho Hồng Kông.
Cùng thời điểm này, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố một báo cáo, trong đó cáo buộc Trung Quốc và Nga lợi dụng đại dịch để "gây tổn hại" bằng cách tung ra một "làn sóng lớn" của các tin giả, trò lừa bịp về dịch vụ y tế, lừa đảo trực tuyến, thuyết âm mưu... trên mạng xã hội.
Mỗi ngày, thế giới lại càng nhận thức rõ hơn về Trung Quốc, và giống như định luật III Newton, những hành động của Trung Quốc đã và đang nhận về những sự phản đối, báo SMH kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: