Cách đây 2 năm, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Việt Nam đã được coi là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam được ví như Thái Lan trong thời kỳ bùng nổ đầu tư nước ngoài những năm 1980 hay như Trung Quốc khoảng 20 năm trước, khi lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này đang phát triển.
Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam bao gồm việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu cùng với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ngày càng mở rộng, gần đây nhất bao gồm với EU và Anh. Song, Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa đối với khách du lịch quốc tế đã phần nào làm giảm tốc độ cũng như xu hướng phát triển này khi các doanh nghiệp không thể đến và xem xét khả năng đầu tư tại đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Covid-19 cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng hoá chuỗi cung ứng thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari nhận xét: "Các doanh nghiệp nghĩ rằng họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu của riêng mình, và những gì Covid-19 cho họ thấy đó là họ chỉ có một chuỗi cung ứng tại Trung Quốc".
"Xu hướng các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mới chỉ bắt đầu, và chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ trong năm tới". Điển hình như Apple đã yêu cầu các cơ sở sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam. Quý 2/2020, hàng triệu tai nghe không dây AirPods được Apple sản xuất tại Việt Nam trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với dịch bệnh và phải đóng cửa nền kinh tế.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể tại nơi đây. Cụ thể, quy mô thị trường lao động địa phương không lớn như Trung Quốc, nhu cầu về các khu công nghiệp đang tăng cao, đặc biệt ở khu vực phía Nam, xung quanh TP. HCM.
Đồng thời, từ lâu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoạt động quá công suất. Mặc dù Việt Nam đang triển khai dự án sân bay mới, nhưng phải đến năm 2025, sân bay này mới có thể đi vào hoạt động. Đáng chú ý, nhiều linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giá trị cao tại Việt Nam, từ vi mạch đến điện thoại thông minh, vẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc... Cơ sở cung ứng nội địa của Việt Nam cũng chưa đa dạng và đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Giám đốc công ty tư vấn Control Risks, bà Nguyễn Phương Linh khẳng định: "Khi các doanh nghiệp chuyển đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho những thay đổi lớn bởi cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cần được cải thiện cũng như lao động không còn rẻ so với các nước láng giềng".
Song, các chuyên gia cho hay, thị trường Việt Nam thích nghi rất nhanh với khó khăn và thách thức, ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Nhiều khu vực kinh doanh mới đang phát triển mạnh mẽ.
Điển hình như GLP - Tập đoàn khai thác kho vận lớn nhất châu Á đang tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng việc phát triển các dự án logistics tại Hà Nội và TP. HCM, với kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng 3 năm.
Những con số đầu tư vào Việt Nam vẫn ngày càng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng vào Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng 2,4% trong năm nay (số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam là 2,91%) và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021.
Các nhà phân tích kinh tế kết luận, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam hiện đang xây dựng cơ sở cung ứng của họ, một trong những động thái hứa hẹn đưa ngành sản xuất tiến gần hơn đến mức độ mà theo thời gian, sẽ có thể được coi là đối thủ của Trung Quốc. Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nêu rõ: "Chúng ta đang chứng kiến một chuỗi cung ứng được xây dựng ngày càng phù hợp và đúng hướng ngay tại đất nước này".