Báo Ấn Độ khen ngợi ngoại giao cây tre của Việt Nam

Minh Khôi |

Tờ India Times đã có bài viết về trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam và cho rằng đây là bài học mà các nước nhỏ có thể áp dụng.

Ngoại giao cây tre Việt Nam: Gốc vững chắc, cành uyển chuyển

Những năm gần đây, việc sử dụng thuật ngữ "ngoại giao cây tre" trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày càng tăng lên.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (22-26/8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam". Đây được xem như lần đầu tiên khái niệm ngoại giao cây tre được đề cập.

Đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, nội dung này được đề cập đậm hơn, sâu hơn

Ngày 14/12/2021, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre, để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Trong bài phát biểu hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư khái quát và nhận định: "Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng". Tổng Bí thư đã phân tích: "Cây tre Việt Nam gốc vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được".

Thành tựu đối ngoại của Việt Nam

Khái niệm này đã lý giải những thành tựu ngoại giao của Việt Nam kể từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986 và nói về những bài học mà các nền kinh tế nhỏ có thể học được, tờ báo Ấn Độ viết.

Trong văn hóa và ngoại giao Á Đông, hình ảnh cây tre đã quen thuộc với nhiều người. Sự ví von về cây tre thể hiện một cách hoàn hảo việc Việt Nam đã xử lý khéo léo khi đối mặt với các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng leo thang.

"Ngoại giao cây tre" đề cập đến kinh nghiệm của Việt Nam trong việc cân bằng các lợi ích địa chính trị xung đột trong 3 thập kỷ qua trong bối cảnh quốc tế ngày càng phân cực. Nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, Việt Nam đã sử dụng chính sách ngoại giao cây tre để duy trì vị thế độc lập và bình đẳng với tất cả các nước lớn.

Các nhà phân tích cho rằng những thành công về ngoại giao của Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành khái niệm trường phái ngoại giao Việt Nam.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên lợi ích quốc gia và các nguyên tắc độc lập, tự cường, đa phương hóa và đa dạng hóa.

Nguyên tắc "Bốn không" trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam, bao gồm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được duy trì một cách kiên quyết.

Kết quả là, quốc gia này đã có thể thiết lập một loạt các mối quan hệ toàn diện và chiến lược, duy trì mức độ phát triển kinh tế xã hội cao và nâng cao danh tiếng của mình cả trong nước và quốc tế, India Times nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại