Theo biểu đồ từ Bank of America, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ tăng cường cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Sự kết hợp giữa lạm phát vừa phải và tăng trưởng kinh tế lý tưởng cho thấy các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bắt đầu chuyển từ việc kiềm chế lạm phát sang quản lý chu kỳ kinh doanh.
Quá trình chuyển đổi như vậy sẽ mang lại cho các ngân hàng trung ương cơ hội điều chỉnh chính sách lãi suất thông qua việc cắt giảm. Họ đã tăng lãi suất hơn 300 lần từ năm 2021 đến năm 2023.
Các đợt tăng và cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Các nhà kinh tế học tại ngân hàng Bank of America dự báo sẽ có 152 lần cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024, ghi nhận mức cắt giảm lãi suất cao nhất kể từ năm 2020. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương đã phải thực hiện nới lỏng tiền tệ chưa từng có.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư đều đồng tình rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 5 lần với 25 điểm cơ bản mỗi lần. Trong khi đó, một số khác dự báo sẽ có tới 11 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Trong lịch sử, hầu hết các ngân hàng trung ương đều quy chiếu theo tín hiệu từ FED. Vì vậy, nếu FED bắt đầu cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ thực hiện theo.
Chuyên gia Phil Camporeale của JPMorgan nói với CNBC: “Không chỉ FED đang tạm dừng và có thể nới lỏng chính sách. Tôi nghĩ nhiều ngân hàng trung ương G4 (FED, ECB, BOE, BOJ) đang có tâm lý muốn khiến mọi thứ dễ dàng hơn một chút”.