Bảng xếp hạng của IMD: Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, trong khi Mỹ chỉ đứng thứ 10

Lục Lam |

Trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới của IMD, vị trí của Mỹ tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Singapore tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong 2 năm liên tiếp.

Sau khi vị trí đầu tiên "rơi vào tay" Singapore, Mỹ đã rớt xuống vị trí thứ 10 từ thứ 3, theo bảng xếp hạng thường niên của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) – trường kinh doanh có trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ. Trong năm thứ 2 liên tiếp, Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, sau đó là Đan Mạch và Thụy Sĩ.

Bảng xếp hạng của IMD: Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, trong khi Mỹ chỉ đứng thứ 10 - Ảnh 1.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến sự bất ổn đối với các doanh nghiệp bị đẩy lên cao, đây là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cả hai nước. 

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giảm 6 bậc xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của IMD. Nhóm nghiên cứu của IMD cho biết: "Chiến tranh thương mại đã gây thiệt hại cho cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đảo ngược xu hướng tăng tích cực của 2 nước này."

Báo cáo các nền kinh tế cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2019 cũng cho thấy rằng Singapore đã "đánh bại" Mỹ và vươn lên vị trí thứ hai, khi mức độ mở cửa của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm.

IMD cho biết, 5 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng – Sinagpore, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan và Hồng Kông, đều thể hiện tiềm lực của các nền kinh tế nhỏ hơn trong việc đối phó với những rủi ro toàn cầu.

Arturo Bris – giám đốc trung tâm khảo sát hàng năm IMD World Competitiveness Center, nhận định: "Lợi thế của các nền kinh tế nhỏ hơn trong cuộc khủng hoảng hiện tại đến từ khả năng đối phó với đại dịch và tính cạnh tranh trong nền kinh tế. Một phần, những yếu tố này có thể được tạo nên từ sự đồng thuận của xã hội."

Theo IMD, Singapore giành vị trí đầu bảng bởi sự bùng nổ trong thương mại và đầu tư, sở hữu cơ sở hạ tầng giáo dục và công nghệ vững chắc. Trong khi đó Hồng Kông rớt xuống từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 do bất ổn xã hội và suy thoái kinh tế.

Châu Âu cũng có được thành tích đáng chú ý, với một nửa trong số 10 nền kinh tế hàng đầu đến từ lục địa này đều có tên trong bảng xếp hạng. Đan Mạch đứng thứ hai nhờ nền kinh tế, thị trường lao động, hệ thống y tế và giáo dục phát triển vững chắc, cũng như đầu tư quốc tế, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. 

Thụy Sĩ đã vươn lên vị trí thứ ba, được thúc đẩy bởi các yếu tố thương mại quốc tế, cơ sở hạ tầng khoa học và hệ thống giáo dục y tế.

Trong khi đó, vị trí của Anh tăng 4 bậc lên số 19, IMD lưu ý rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Brexit đã tạo nhận thức mới về môi trường kinh doanh thân thiện với các doanh nghiệp. Canada cũng thăng hạng từ số 13 lên số 8.

Các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí không cao trong bảng xếp hạng, hầu hết đều rớt hạng so với năm ngoái. 

Cụ thể, Nhật Bản giảm 4 hạng xuống vị trí 34, Indonesia trượt 4 bậc xuống số 40 và Ấn Độ vẫn ở vị trí 43. Ngoài ra, các nền kinh tế ở khắp Trung Đông đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giá dầu, UAE giảm 4 bậc xuống vị trí thứ 9.

Bảng xếp hạng của IMD bắt đầu được thực hiện từ năm 1989, đánh giá 63 nền kinh tế với hàng trăm chỉ báo: tổng hợp số liệu của chính các nước công bố (hard data) ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp, chi phí sinh hoạt, chi tiêu của chính phủ và kết quả khảo sát chuyên gia, doanh nhân (soft data) về các chủ đề bao gồm sự ổn định chính trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại