Bảng nhãn Hứa Tam Tỉnh và chuyện Trạng Me đè Trạng Ngọt

Nguyễn Thanh Điệp |

Trạng Me đè Trạng Ngọt là một giai thoại nổi tiếng về lịch sử khoa bảng thời phong kiến, được lưu truyền đến ngày nay.

Họa hình giai thoại về trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.

Theo “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, dưới thời nhà Hậu Lê ở trấn Kinh Bắc có hai người học giỏi nổi tiếng là Nguyễn Giản Thanh (1482-1552) người làng Me ở Đông Ngàn, Bắc Ninh và Hứa Tam Tỉnh (1481-?), người làng Ngọt nay thuộc Yên Phong, Bắc Ninh.

Học giỏi để lấy vợ

Hứa Tam Tỉnh quê xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Xuất thân gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn.

Hằng ngày, khi xong việc chăn trâu, cắt cỏ, ông đến lớp học ở làng nghe lỏm thầy đồ dạy chữ, mượn bạn bè sách vở tự học. Tối đến, cậu học trò nghèo đốt lá khô làm đèn đọc sách, luyện chữ. Lớn lên, ông nổi tiếng văn hay, chữ đẹp, ứng đối giỏi.

Theo sách “Đăng Khoa lục sưu giảng”, một lần đi trên đường, Hứa Tam Tỉnh gặp đám rước quan Trấn thủ xứ Kinh Bắc. Thấy phía sau kiệu quan là võng khiêng một tiểu thư xinh đẹp, Hứa Tam Tỉnh mê mẩn, bảo người phu cáng cho mình khiêng thay để được ngắm mỹ nhân.

Về nhà, Hứa Tam Tỉnh đòi mẹ phải đến hỏi tiểu thư làm vợ. Người mẹ sợ quá không dám đi, sau vì thương con liền đánh liều đến dinh quan.

Thấy chuyện lạ đời, quan Trấn thủ cười lớn nhưng rồi ông nghĩ biết đâu anh chàng nông phu kia nếu không phải kẻ cuồng vọng, tất là người khác thường. Quan liền nói với bà mẹ: “Nếu con trai bà muốn vậy thì gọi nó đến đây, ta xem học hành ra sao. Nếu quả là người tài, ta sẽ gả tiểu thư cho”.

Bà mẹ vội vã trở về bảo con đến hầu chuyện quan. Lúc giáp mặt, quan Trấn thủ rất thất vọng khi thấy Hứa Tam Tỉnh da đen, người lùn, mặt mũi xấu xí, duy chỉ có con mắt là tinh anh.

Ngoại hình xấu xí nhưng khi quan hỏi đến sách vở, kiến thức, Hứa Tam Tỉnh đối đáp rất trôi chảy. Nhận thấy cậu bé có tài, quan bảo chàng thanh niên ở lại trong dinh để ăn học thêm và giao hẹn nếu thi đỗ cao, nhất định gả con gái cho.

“Được lời như cởi tấm lòng”, Hứa Tam Tỉnh dốc sức học hành, hơn một năm sau đỗ đầu thi Hương, tiếp đó vượt qua kỳ thi Hội. Quan y lời hẹn cũ, tổ chức đám cưới cho đôi trẻ. Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa qua với Hứa Tam Tỉnh.

Tới khi làm lễ hợp cẩn, tiểu thư vì đã biết Hứa Tam Tỉnh là anh chàng khiêng cáng ngày trước, lại thêm người đen lùn, xấu xí nên chưa ưng lắm, sai người hầu cầm tờ thiếp ra bảo rằng có một vế câu đối, nếu quan tân khoa đối được thì hãy xin làm lễ. Nội dung câu đối như sau:

“Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê noãn, tam tam tứ tứ”. Nghĩa là: Nhà thủng bóng trăng dọi xuống, hình như trứng gà, lốm đa lốm đốm.

Hứa Tam Tỉnh nghĩ mãi không sao đối được. Vừa bực mình, vừa thẹn, ông bỏ ra bờ sông. Tình cờ trông thấy bóng trăng soi trên mặt nước như muôn nghìn lớp sóng bạc dập dềnh, bỗng nảy tứ thơ, quay ngay về phòng đối rằng:

“Giang trường phong lộng, thế tự long lân, điệp điệp trùng trùng”. Nghĩa là: Sông dài gió lộng, thế như vảy rồng điệp điệp trùng trùng.

Tiểu thư xem xong thấy hay, mới đồng ý lấy ông làm chồng. Hôm sau, tiểu thư lại đem câu đối ấy trình cha, quan bảo cứ khẩu khí này thì anh ta còn có thể đỗ trạng nguyên.

Trạng Me đè trạng Ngọt

Sau khi vượt qua kỳ thi Hương và Hội, Hứa Tam Tỉnh bước vào kỳ thi Đình năm 1508 đời vua Lê Uy Mục. Tại đây, cậu học trò nghèo có cuộc đua tranh thú vị với một nho sinh tài năng không kém là Nguyễn Giản Thanh – một người không chỉ học giỏi mà còn nổi bật với dung mạo khôi ngô, tuấn tú, có biệt tài ứng biến giỏi.

Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, bấy giờ, khi chấm quyển thi, các quan trường thi nhận thấy Hứa Tam Tỉnh có bài tốt hơn so với Nguyễn Giản Thanh, dự kiến lấy đỗ trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ bảng nhãn, Nguyễn Hữu Nghiêm là thám hoa.

Dự kiến là vậy nhưng chưa được vua phê chuẩn chính thức. Khi ba người đỗ đầu vào yết kiến vua, bà Kinh phi là mẹ nuôi của vua nhìn thấy Nguyễn Giản Thanh có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, trong khi Hứa Tam Tỉnh dung mạo lại xấu xí. Bà chỉ vào Nguyễn Giản Thanh hỏi các quan trường thi: “Người này chắc là trạng nguyên”?

Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh tâu rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng thần chưa biết lấy ai đỗ trạng. Xin mẫu hậu và hoàng thượng phán xét”.

Vua cũng nghe nói bài của Hứa Tam Tỉnh hơn Nguyễn Giản Thanh nhưng thấy mẹ đang nhìn Nguyễn Giản Thanh với ánh mắt quý mến, nên muốn chiều lòng mẹ. Ông ra thêm bài phú “Phường thành xuân sắc” (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài cao thấp.

Trước bài thi quyết định, Nguyễn Giản Thanh nghĩ nếu làm bằng chữ Hán sẽ không thể cao xa, thâm thúy bằng Hứa Tam Tỉnh, chi bằng làm bằng chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu điệu sẽ khiến mẫu hậu hiểu. Nghĩ rồi, ông ứng khẩu đọc liền một mạch:

“Chợ hoa đầm ấm, phố ngọc tần vần/Trai bảnh bao đá cầu vén áo/Gái éo le rủ yếm khỏi quần/Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa rợp đường tử mạch/Chàng công tử ngựa xe giương tán, sáng dặm thanh vân…”.

Bà Kinh phi nghe đọc đến đâu hiểu đến đấy, nức nở khen hay. Ngược lại, bà không đánh giá cao bài phú bằng chữ Hán của Hứa Tam Tỉnh, vì không hiểu nhiều về văn tự. Vua đã muốn theo ý của mẹ, song còn hỏi thêm: “Trẫm nghe nói khanh người làng Ông Mạc, vậy có gần làng Phù Chấn quê ngoại trẫm không?”.

Hai làng này cùng ở trấn Kinh Bắc nhưng không gần nhau. Tuy vậy, Nguyễn Giản Thanh vẫn lém lỉnh trả lời: “Tâu hoàng thượng, hai làng liền một cánh đồng”. Đây là cách trả lời thông minh của Nguyễn Giản Thanh, bởi dù cách bao xa cũng liền mạch một cánh đồng.

Sau khi đàm đạo một hồi, lại thấy Nguyễn Giản Thanh người phủ Từ Sơn (quê ngoại của mình), vua truyền lấy Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, còn Hứa Tam Tỉnh từ chỗ đỗ trạng phải lùi xuống hàng bảng nhãn.

Biết chuyện này, nho sĩ Kinh Bắc làm vè chê Nguyễn Giản Thanh là “mạo trạng nguyên”, nghĩa là “trạng nguyên mặt”, vì đẹp trai được đỗ trạng. Hứa Tam Tỉnh, tuy không đỗ trạng nguyên, vẫn được gọi là Trạng Ngọt (ông trạng làng Ngọt).

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Giản Thanh được bổ nhiệm làm quan, trải qua nhiều chức vụ, thăng dần đến chức Hàn lâm viện Thị thư kiêm Đông các Đại học sĩ (Tứ trụ triều đình). Dưới thời Mạc, Nguyễn Giản Thanh lại ra làm quan và được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư Bộ lễ kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá. Khi mất, Nguyễn Giản Thanh được tặng tước hầu.

Sau khi đỗ đạt, Hứa Tam Tỉnh ra làm quan cho nhà Hậu Lê. Sau đó, tiếp tục ra làm quan cho nhà Mạc. Sau 2 lần đi sứ nhà Minh trở về, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, hàm Thiếu bảo, tước Đôn Giáo bá. Sau ông về quê trí sĩ và mất ở quê nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại