Cuối năm 2016, các nhà khoa học phát hiện vết nứt tại thềm băng Larsen C đột ngột tăng khoảng gần 18 km, khiến cho hình thành tảng băng lớn rộng hơn 5.000 km2, tương đương với diện tích của bờ biển phía nam xứ Wales (Anh).
Hiện nay chỉ còn một dải băng dài chừng 19 km kết nối thềm băng Larsen C và tảng băng trôi.
Ảnh: Geographical.co.uk
Theo dữ liệu từ vệ tinh theo dõi, vết nứt chính tiếp tục phát triển vào đầu năm 2017 và hiện nay nó dài khoảng 178 km. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Swansea (Anh), nhánh phụ của vết nứt dài khoảng hơn 14 km đang tiến về phía cạnh của tảng băng.
Giáo sư Adrian Luckman, tại Đại học Swansea, cho biết: "Trong khi phần rạn nứt trước đây chưa tiến triển, một nhánh mới của vết nứt đã bắt đầu mở rộng. Nó kéo dài khoảng gần 10 km về phía mép của tảng băng trôi".
Hình ảnh vết nứt từ vệ tinh theo dõi. Ảnh: Swansea University
Luckman nhận định, đây là thay đổi quan trọng đầu tiên kể từ phát hiện vào tháng 2/ 2017. "Mặc dù độ dài của vết nứt chính đã được giữ ổn định trong nhiều tháng qua nhưng nó vẫn gia tăng liên tục với tốc độ hơn 1 m mỗi ngày".
Theo dự báo của các chuyên gia, khi tảng băng vỡ ra, tách ra khỏi phần băng còn lại ở Nam Cực, nó có thể trở thành một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận.
Các nhà khoa học cảnh báo, việc vết nứt không ngừng phát triển có thể khiến tảng băng khổng lồ tách ra khỏi thềm băng Larsen C.
Điều này sẽ khiến thềm băng Larsen C mất hơn 10% diện tích và làm thay đổi phần lớn địa hình và cảnh quan của khu vực Nam Cực. Một mối lo ngại không nhỏ nữa là hao hụt diện tích băng lớn có thể kéo theo sự sụp đổ của thềm băng Larsen C trong vài thập kỷ tới.
Nguồn: Dailymail