Bằng Kiều: "Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình"

Long Phạm |

Tuyên bố chỉ hát và cover nhạc cũ trong cả một đêm nhạc, nhưng Bằng Kiều vẫn tạo nên đẳng cấp riêng, khiến khán giả xúc động tới rớt nước mắt.

Tối qua (20/4), đêm liveshow thứ ba trong chuỗi chương trình Music’n  More mang tên Trái tim bên lề đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của hai tiếng hát chất lượng là Bằng Kiều và Dương Hoàng Yến. Trong đó, Bằng Kiều chính là linh hồn chủ đạo của toàn đêm nhạc.

Vừa vào chương trình, Bằng Kiều đã tuyên bố thẳng với khán giả: "Trong đêm nhạc này, tôi chỉ hát và cover lại những ca khúc đã cũ. Tôi sẽ không hát bất cứ bài mới nào".

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 1.

Nhiều khán giả tỏ ra ngạc nhiên vì sự "liều lĩnh" của Bằng Kiều. Bởi đêm nhạc diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm, khi ca sĩ Hà Anh Tuấn đang nhận phải nhiều chỉ trích vì tổ chức nguyên một liveshow chỉ để cover lại những bài hit của ca sĩ khác.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bằng Kiều đã tâm sự: "Tôi ít khi hát ở quê nhà nên đứng trước khán giả như được gặp lại những người bạn thân thiết của mình.

Mà theo lẽ thường, khi gặp lại bạn bè lâu ngày không gặp thì thường hàn huyên chuyện cũ, chứ ít ai nói chuyện mới lắm. Bản thân tôi nếu gặp bạn bè cũng chỉ nói chuyện cũ thôi. 

Bởi vậy, tôi sẽ chỉ hát nhạc cũ để nhắc lại kỉ niệm cùng khán giả".

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 2.

Thực hiện tôn chỉ đó, suốt đêm nhạc, Bằng Kiều chỉ hát lại những ca khúc đình đám gắn với tên tuổi của anh và nhiều ca sĩ đi trước như Dấu tình sầu, Lệ đá, Bài ca không tên cuối cùng, Anh đến thăm em đêm 30, Chị tôi, Để nhớ một thời ta đã yêu, Lại gần hôn anh, Nàng...

Thế nhưng, Bằng Kiều vẫn làm nên đẳng cấp riêng khi cover nhạc cũ, với sự thể hiện tinh tế, cảm xúc và cách xử lí kĩ thuật của mình. Nhờ đó, anh đã chiếm được niềm đam mê, thích thú của khán giả.

Những phút ngẫu hứng khiến khán giả choáng ngợp

Cũng là hát lại nhạc cũ, nhưng Bằng Kiều hướng tới đối tượng khán giả lớn hơn, nên anh không cover "thập cẩm" đủ loại nhạc, từ nhạc teen tới nhạc phim Hàn Quốc.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 3.

Bằng Kiều chọn cho mình các tình khúc kinh điển của lớp nhạc sĩ gạo cội như Vũ Thành An, Trần Tiến, Ngô Thụy Miên… Đó là những bài hát có nội dung sâu sắc, ca từ đẹp, giai điệu chau chuốt, sang trọng và đòi hỏi người hát phải có tư duy cao hơn, thể hiện phần vocal khó hơn.

Vừa xuất hiện trên sân khấu, Bằng Kiều đã khuấy động toàn bộ khán giả bằng bài hit quen thuộc Để nhớ một thời ta đã yêu. Anh đưa người nghe vào không gian tràn ngập rượu vang và tiếng khiêu vũ của những điệu nhạc trữ tình.

Đặc biệt, ở cuối ca khúc này, Bằng Kiều đã khiến khán giả choáng ngợp khi thể hiện làn hơi bất tận tới ngàn cây số của mình bằng cách kéo dài nốt G#4 trên falsetto những 23 giây.

Bằng Kiều hát Để nhớ một thời ta đã yêu

Có lúc, người nghe tưởng Bằng Kiều đã đứt hơi rồi, nhưng anh vẫn vuốt dài một cách mượt mà kèm theo vibrato. Chứng kiến khoảnh khắc này, ai nấy cũng phải vỗ tay đầy thán phục và thích thú.

Chưa dừng lại ở đó, tới ca khúc Tôi đến thăm em đêm 30, Bằng Kiều một lần nữa làm nổ tung không gian, khiến khán giả vỡ òa khi hai lần lên tông, "quất" giọng tới A4 căng tràn và gằn giọng trên G4 một cách bùng cháy, nội lực.

Bằng Kiều hát Tôi đến thăm em đêm 30

Liên tiếp trong những ca khúc tiếp theo, Bằng Kiều vẫn khoe nốt cao một cách đầy ngẫu hứng nhưng vẫn và hợp lí, đủ để khiến khán giả cảm thấy "sướng" nhưng không bị bội thực.

Chẳng hạn, trong Dấu tình sầu hay Bài ca không tên cuối cùng, anh hát tông treo liên tục và nhả chữ căng tràn lồng lộng trên F#4, G4, G#4, nổi bần bật giữa không gian như một thứ sóng cuộn đầy mãnh liệt.

Bằng Kiều hát Dấu tình sầu và Lệ đá

Quả nhiên, Bằng Kiều đã tận dụng trọn vẹn lợi thế của tenor 1 để khoe những note cao sáng rực đầy tráng lệ của mình mà không gặp cản trở nào. Toàn bộ khán giả mỗi khi hát anh belt giọng lên G4, A4, Bb4 đều vô cùng hồ hởi. Họ cảm thấy sảng khoái và đã tai.

Bằng Kiều hát Bài ca không tên cuối cùng

Ngoài ra, Bằng Kiều cũng ru lòng người nghe bằng hai bản tình ca nhạc Pháp là Lại gần hôn anh và Nàng. Đây là hai ca khúc bất hủ đã được thể hiện thành công qua nhiều giọng hát tên tuổi, nhưng nam ca sĩ vẫn đem lại một màu sắc mới mẻ cho chúng, khiến khán giả phải ngất ngây trong men say của chất Pháp sang trọng, quý phái.

Bằng Kiều hát Lại gần hôn anh

Sau Minh Tuyết, Dương Hoàng Yến chính thức trở thành "nàng thơ" mới của Bằng Kiều kể từ đêm nhạc này. Tuy chưa có được sự từng trải như đàn chị, nhưng Dương Hoàng Yến lại chiếm được cảm tình của Bằng Kiều ở sự trẻ trung, đầy năng lượng và căng tràn sức sống của mình.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 9.

Bằng Kiều chia sẻ: "Tôi rất thích hát với ca sĩ mới nổi, vì họ làm cho mình như được trẻ lại, nhiều đam mê hơn".

Bằng Kiều song ca cùng Dương Hoàng Yến

Gây bất ngờ với khi tiết lộ bí mật về nhạc sĩ Trần Tiến

Không chỉ hấp dẫn khán giả ở những nốt cao rực rỡ, uy lực hay trường hơi dài bất tận tới ngàn cây số, Bằng Kiều còn có tài kể chuyện, tâm tình bằng âm nhạc vô cùng lôi cuốn, ngập tràn xúc cảm.

Câu chuyện âm nhạc Bằng Kiều chọn để kể cho khán giả trong đêm nhạc này không mới, nhưng vẫn khiến mọi người phải bồi hồi, rưng rưng nước mắt. Đó là ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến.

Bằng Kiều hát Chị tôi

Trước khi vào bài hát, Bằng Kiều đã tự thú nhận rằng: "Bình thường tôi hay hát những ca khúc có nhiều cao trào, giúp khoe được quãng giọng và những nốt cao của mình. Nhưng ca khúc này có 6 phân đoạn thì đều đều và bằng phẳng cả 6, không có bất cứ cao trào nào.

Vì vậy, tôi sẽ không hát mà tâm sự, kể chuyện cùng mọi người".

Sau đó, anh ngâm nga chậm rãi từng câu, từng từ trong ca khúc, thả giọng hát trôi theo giai điệu nhẹ nhàng để mở ra cả một câu chuyện đầy cảm động về số phận bi thương của "người con gái lưng ong". Trong bài hát này, anh chỉ sử dụng duy nhất tiếng guitar mộc để dẫn dắt khán giả.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 12.

Bằng giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của mình, Bằng Kiều đã vẽ nên bức tranh thôn quê sống động, với đầy đủ nhân tình thế thái, kèm theo những gương mặt khóc cười giữa cuộc đời truân chuyên.

Bằng Kiều hát ngọt nhưng không sến, bình dị, gần gũi nhưng vẫn sang trọng. Các luyến láy, đưa đẩy, bỏ nhỏ được sử dụng tinh tế. 

Đặc biệt, cách nhả chữ, ngắt giọng, ngưng nghỉ và xuống trầm đột ngột của anh tạo nên phong thái y hệt như đang diễn đạt một câu chuyện thực sự, với đầy đủ các sắc thái của một giọng kể truyền cảm, đầy nội tâm.

Ở khoảng giữa ca khúc, tiếng guitar bỗng dừng lại, chỉ còn lại duy nhất giọng hát Bằng Kiều độc diễn. Trong không gian im phăng phắc, anh lả giọng nức nở như cất lên tiếng khóc. Anh hóa thân trọn vẹn vào cảm xúc day dứt, cay đẳng của bài hát, nhưng tâm sự câu chuyện của chính mình.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 14.

Sự biểu đạt âm nhạc chân thành và giàu nội tâm của Bằng Kiều đã khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt mà phải rưng rưng. Họ khóc vì xúc động, thương cảm cho số phận của nhân vật trong bài hát.

Xúc động đến rớt nước mắt, nhưng không ít người đã phải bật cười khi Bằng Kiều tiết lộ bí mật về ca khúc này. Anh nói:

"Cách đây vài tháng tôi có gặp Trần Hiếu, bố của ca sĩ Trần Thu Hà. Hai bố con tình cờ gặp nhau ở bờ hồ, trong lúc tôi đang thơ thẩn đếm lá.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 15.

Tôi có hỏi về ca khúc Chị tôi, thì bố Trấn Hiếu mới kể rằng, khi viết ca khúc này, nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình, vì bà ấy vẫn lấy chồng và sống nhăn chứ có ế ẩm rồi chết khô chết mả như trong bài đâu".

Bằng giọng kể và cách sử dụng ngôn từ hóm hỉnh của mình, Bằng Kiều đã khiến cả khán phòng phải cười ồ lên thích thú. Đúng là, chỉ có anh mới đem lại hai cung bậc cảm xúc đối lập nhau trong cùng một phút như thế cho người nghe.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 16.

Ca sĩ thân thiện và chịu chơi nhất

Trên truyền hình, Bằng Kiều thường xuất hiện dưới hình ảnh một ca sĩ nghiêm túc và hơi khó tính. Nhưng ở ngoài, anh rất thân thiện và cởi mở, lại có khiếu hài hước, dí dỏm.

Trước khi Bằng Kiều xuất hiện, đã có một số ca sĩ trẻ hát mở màn đêm nhạc, nhưng không khuấy động được không khí và khiến khán giả cảm thấy hơi oải.

Vậy mà Bằng Kiều vừa bước ra sân khấu đã làm khán giả vỡ òa. Sự thân thiện và hài hước của anh lập tức khơi dậy không khí hào hứng trong cả khán phòng, khiến ai nấy cũng hồ hởi, rạng rỡ.

Bằng Kiều: Nhạc sĩ Trần Tiến đã phải xin lỗi chị gái mình - Ảnh 17.

Bằng Kiều biết cách chiều chuộng, dẫn dắt khán giả bằng những câu chuyện thú vị, cùng giọng kể đầy dí dỏm để kết nối mọi người lại với mình.

Đặc biệt, trong đêm nhạc này, Bằng Kiều đã mời hắn khán giả lên song ca cùng mình trong hai ca khúc nổi tiếng là Lâu đài tình ái và Như đã giấu yêu.

Các màn song ca này được thực hiện hoàn chỉnh từ đầu tới cuối, dưới sự đệm đàn của dàn nhạc, chứ không chỉ là hát qua loa vài ba câu cho có như nhiều ca sĩ khác. Và bản thân Bằng Kiều cũng rất giỏi trong việc tiết chế bản thân, dung hòa giọng hát để nâng khán giả lên.

Bằng Kiều song ca cùng khán giả

Điều này chứng tỏ, Bằng Kiều khá mạo hiểm và chịu chơi. Anh không hề e ngại sự cố hay những tình huống ngoài ý muốn, chỉ cần khán giả vui là được.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại