Bằng chứng sự sống ngoài hành tinh sinh sôi nảy nở hơn con người từng nghĩ

Đăng Nguyễn |

Vi khuẩn trên Trái đất có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt ngoài vũ trụ, nghiên cứu mới kết luận, củng cố giả thuyết về sự sống ngoài hành tinh.

Theo Express, panspermia là giả thuyết vi sinh vật có thể di chuyển từ hành tinh này đến hành tinh khác và phát tán sự sống.

Các mảnh đá lơ lửng trong vũ trụ có thể mang theo vi sinh vật đến hành tinh khác. Quá trình này có thể mất tới hàng tỉ năm. Giả thuyết này gợi ý sự sống trong vũ trụ có thể có “chung nguồn gốc”.

Để kiểm tra giả thuyết panspermia, nhà khoa học người Nhật Akihiko Yamagishi cùng đồng nghiệp đánh giá khả năng sống sót của vi khuẩn bên ngoài trạm vũ trụ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Ông đặt vi khuẩn Deinococcus vào trong các khay nhôm có lỗ. Các khay sau đó được gắn bên ngoài ISS. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu trên khay sau từng năm. Thí nghiệm diễn ra trong thời gian từ năm 2015-2018.

Nghiên cứu mới được công bố gần đây, phát hiện vi khuẩn Deinococcus có thể sống sót hàng năm trời trong môi trường bên ngoài vũ trụ, nơi phóng xạ ở mức cao và nhiệt độ rất thấp.

Bằng chứng sự sống ngoài hành tinh sinh sôi nảy nở hơn con người từng nghĩ - Ảnh 1.

Thí nghiệm về khả năng sinh tồn của vi khuẩn Deinococcus bên ngoài trạm ISS.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, vi khuẩn tập hợp lại thành lớp dày. Vi khuẩn ở lớp ngoài cùng chết dần, nhưng tạo thành lớp bảo vệ cho những vi khuẩn khác ở lớp trong.

Trong nghiên cứu kéo dài 3 năm, khối vi khuẩn dày hơn 0,5 mm vẫn sống khỏe, thậm chí có thể sống sót 15-45 năm ngoài trạm ISS ở quỹ đạo Trái Đất thấp.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, khối vi khuẩn với đường kính hơn 1 mm có khả năng sống sót đến 8 năm trong môi trường ngoài vũ trụ.

Giáo sư Yamagishi nói: “Kết quả nghiên cứu chi ra rằng, vi khuẩn Deinococcus đủ khả năng sống sót trong hành trình từ Trái đất đến sao Hỏa và ngược lại”.

Ông Yamagishi cho rằng, nghiên cứu giúp tìm hiểu rõ hơn về cách sự sống trỗi dậy trên Trái đất. Hơn nữa, nghiên cứu cũng có thể giúp chứng minh con người không hề đơn độc trong vũ trụ.

“Sự sống trên Trái đất là bí ẩn lớn nhất đối với nhân loại và các nhà khoa học có cách giải thích khác nhau”, ông Yamagishi nói. “Một số cho rằng khả năng hình thành nên sự sống ở các hành tinh trong vũ trụ là rất thấp”.

“Nhưng nghiên cứu của chúng tôi đã củng cố giả thuyết panspermia, rằng sự sống ngoài hành tinh sinh sôi nảy nở hơn con người từng nghĩ”.

Cuối cùng, giáo sư Đại học Tokyo nói thêm rằng, cần phải mở rộng thêm nghiên cứu, tìm hiểu khả năng sốt sóng của vi khuẩn khi đáp xuống hành tinh khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại