Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ

THANH LONG |

Trong khi xếp hơn 7.000 mảnh vỡ của một bức phù điêu thời Maya cổ đại lại với nhau, các nhà khoa học thấy mảnh số 4777 khớp với mảnh 4778 tạo thành một ngày được gọi là "7 Hươu" trong lịch bói Tzolkin.

Có thể bạn đã biết đến Maya, một nền văn minh phát triển rực rỡ ở Trung Mỹ từ thời tiền cổ những năm 2.600 trước Công Nguyên.

Gọi là nền văn minh, bởi thực chất Maya là một tập hợp của rất nhiều thành bang và vương quốc độc lập với nhau, nhưng họ thờ chung những vị thần, dùng chung chữ viết, chia sẻ các phát minh, công nghệ, xây dựng những công trình kiến trúc và nghệ thuật đồng bộ với nhau.

Để có thể phát triển được như vậy, người Maya được cho là rất giỏi toán và thiên văn. Nhờ đó, họ đã tạo ra được những bộ lịch vô cùng chính xác, với sai số chỉ 0,0002 ngày so với lịch tân kỳ, tương đương chỉ bị lệch 1 ngày sau 5.000 năm.

Nhưng ngoài lịch 365 ngày, người Maya còn một bộ lịch độc đáo khác gọi là lịch Tzolkin, hay lịch bói có 260 ngày. Gọi là lịch bói bởi Tzolkin là hệ thống mà người Maya dùng để quyết định thời điểm tổ chức các nghi lễ, đánh dấu các ngày quan trọng và dự đoán các sự kiện trong tương lai.

Bằng chứng sớm nhất về bộ lịch này được xác định vào khoảng những năm 100 Trước Công Nguyên ở Mexico. Nhưng mới đây, trong một tàn tích của kim tự tháp Las Pinturas ở nước cộng hòa Guatemala, các nhà khảo cổ vừa tìm thấy hai mảnh vỡ có hình vẽ ghép lại thành ngày "7 Hươu" trong lịch Tzolkin.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 1.

Kim tự tháp này thực chất là một ngôi đền được xây vào khoảng năm 2200- 2300 Trước Công Nguyên. Do đó, đây có thể được coi là bằng chứng sớm nhất của lịch Tzolkin, một phát hiện quan trọng chứng minh người Maya đã sử dụng lịch bói của họ sớm hơn so với những gì chúng ta từng nghĩ.

7.000 mảnh phù điêu vỡ bên trong tàn tích ngôi đền cổ

Như chúng ta biết, người Maya có truyền thống xây dựng các ngôi đền thờ của họ tại một vị trí duy nhất, không thay đổi qua từng thời kỳ. Nghĩa là ban đầu, họ sẽ dựng một ngôi đền nhỏ, có kích thước khiêm tốn.

Nếu đời sau phát triển hơn đời trước, họ sẽ phá bỏ ngôi đền cũ đi và xây một ngôi đền lớn hơn bao lấy chính nền ngôi đền cũ. Cứ như vậy sau nhiều triều đại, một ngôi đền nhỏ có thể được nâng cấp thành cả một kim tự tháp khổng lồ.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 2.
Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 3.

Phục dựng kim tự tháp Las Pinturas của người Maya qua 7 giai đoạn xây dựng.

Như kim tự tháp Las Pinturas được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ San Bartolo, nằm sâu trong rừng rậm phía bắc Guatemala là một ví dụ. Nó cao tới 30 mét với lối kiến trúc lớp chồng lớp.

Kim tự tháp có tổng cộng 7 lớp nền, nghĩa là nó đã trải qua 7 lần nâng cấp khác nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 800 năm. Cũng bởi vậy, mỗi khi khai quật di chỉ này, các nhà khảo cổ lại tìm ra một thứ gì đó mới mẻ, giống như họ đang bóc một củ hành hay một con búp bê Nga Matryoshka.

Trước đây vào năm 2001, một bức tranh tường tinh xảo và đầy màu sắc đã được tìm thấy trong kim tự tháp Las Pinturas. Nó còn khá nguyên vẹn và được xác định niên đại vào khoảng 100 năm Trước Công Nguyên. Bức tranh vẽ lại cảnh một nghi lễ thần thoại của người Maya tiền cổ:

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 5.

Tấm phù điêu mới được phát hiện gần đây hơn thì không được may mắn như vậy. Các nhà khảo cổ cho biết nó đã bị vỡ thành hơn 7.000 mảnh nhỏ. Mảnh lớn nhất có kích thước 20x40 cm còn mảnh nhỏ nhất chỉ có kích thước bằng móng tay người.

"Bức tường đã bị người Maya cổ đại cố ý phá hủy khi họ xây dựng lại không gian nghi lễ của mình", giáo sư David Stuart, tác giả chính nghiên cứu đến từ Đại học Texas cho biết. Về cơ bản, ông và nhóm nghiên cứu của mình đang phải chơi một trò chơi xếp hình khổng lồ.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 7.

Trong quá trình đó, Stuart mới tìm thấy được 11 mảnh bích họa có vị trí gần nhau. Đó là những mảnh chắc chắn khớp viền và tạo thành những hình vẽ có ý nghĩa. "Các bức tranh trong giai đoạn trước của ngôi đền này đều bị phân mảnh một cách tồi tệ, không giống như những bức tranh được tìm thấy trong giai đoạn sau này", ông nói.

Các mảnh vỡ khi ghép lại với nhau sẽ thể hiện một con chữ của người Maya thời tiền cổ. Hoặc chúng là những nét vẽ nối liền của nghệ thuật tranh tường phù điêu của họ. Nhưng trong số 11 mảnh ghép được xác định, có hai mảnh số 4777 và 4778 rất đặc biệt.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 9.

Giáo sư Stuart cho biết chúng vẽ hình hình đầu của một con Hươu, một dấu chấm và một nét gạch ngang. Trong đó, dấu chấm và nét gạch ngang nằm trong cách viết số 7 của người Maya cổ đại.

Ghép lại với nhau, ông cho rằng hai mảnh vỡ này thể hiện ngày 7 Hươu trong lịch Tzolkin – thứ mà người Maya dùng để bói toán và dự báo tương lai.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya

Lịch Tzolkin là một hệ thống đếm chu kỳ 260 ngày được nhiều cộng đồng cổ đại sống trên khắp châu Mỹ sử dụng, bao gồm người Aztec, Mixtec và Zapotec. Tuy nhiên, bằng chứng sớm nhất của loại lịch này được tính cho người Maya vào khoảng thế kỷ 1 trước Công Nguyên.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 10.

Trong hệ thống lịch Tzolkin, người Maya sử dụng 2 hệ đếm, 13 con số biểu thị cho 13 ngày và 20 chu kỳ lặp lại được biểu diễn hóa bằng các tạo vật thiên nhiên. Ví dụ, sau ngày "7 Hươu" trong lịch Tzolkin, người Maya sẽ có ngày "8 Thỏ", "9 Nước", "10 Chó", "11 Khỉ" và "12 Cỏ"…

Mỗi tạo vật này lại mang một ý nghĩa biểu trưng khác, được các văn bản cổ của người Maya chép lại và giải thích. Ví dụ, ngày "Gió" được cho là hơi thở, là cuộc sống, ngày "Chó" là ngày của sinh vật dẫn đường Mặt Trời xuyên qua âm phủ, ngày "Cỏ" là ngày mưa bão, ngày "Thanh kiếm" liên quan đến lễ hiến tế, ngày "Cái lưới" liên quan đến biểu kiến của Sao Kim…

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 12.

Chính vì những ý nghĩa được gán ghép này, lịch Tzolkin đã được người Maya sử dụng để xem ngày đẹp cho các nghi lễ và dự đoán tương lai. "Nếu bạn nói ngày hôm đó là 7 Hươu, họ sẽ nói: "Ồ đúng rồi, 7 Hươu có nghĩa là cái này, cái này và cái này", giáo sư Stuart cho biết.

Trên thực tế, ngày Hươu trong lịch Tzolkin được người Maya coi là đại diện cho hoạt động săn bắn. Nhưng đó chỉ là xét trên khía cạnh tín ngưỡng và văn hóa, còn trên khía cạnh khoa học, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy lịch Tzolkin hay các loại lịch khác của người Maya có thể dự đoán được tương lai.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 13.

Nói một điều gì đó sẽ xảy ra vào ngày "7 Hươu" giống như bạn nói trời sẽ mưa vào Thứ 4 vậy, mặc dù không biết đó là Thứ 4 nào vì lịch Tzolkin mang tính chu kỳ. Chính tính chu kỳ này của Long Count, một loại lịch Maya khác đã khiến nhiều người nhầm tưởng năm 2012 là năm tận thế vì đó là năm mà lịch Long Count kết thúc.

"Tôi nhớ vào năm 2012 nhiều người đã lên đồng về sự kết thúc của chu kỳ lịch Maya", giáo sư Stuart nói. "Họ nói "Đó là ngày mà cuốn lịch kết thúc". Nhưng sự thật không phải vậy, họ không hiểu rằng khi chu kỳ này kết thúc thì phía sau nó còn một chu kỳ nữa".

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 14.

Trở lại với bức phù điêu đã vỡ vụn trong kim tự tháp Las Pinturas, phía sau ký tự "7 Hươu" này người Maya đã viết những gì? Có lẽ câu trả lời vẫn nằm trong 7.000 mảnh ghép chưa được sắp xếp lại của nó.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn mà giáo sư Stuart và các đồng nghiệp có thể khẳng định. Đó là niên đại carbon của mảnh ghép xác nhận con số và hình vẽ được khắc lên đó vào khoảng giữa năm 200 và 300 trước Công nguyên.

Đây chính là bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng lịch Tzolkin của người Maya. Nó sớm hơn 100 năm so với bằng chứng gần nhất được tìm thấy ở vùng Oaxaca, Mexico trước đây và 1.000 năm so với các chữ tượng hình ghi lịch khác được tìm thấy ở Guatemala.

Bằng chứng sớm nhất về lịch bói của người Maya bên trong kim tự tháp cổ - Ảnh 15.

Như vậy với phát hiện này, Mexico không còn được coi là cái nôi cho chữ viết và lịch Tzolkin nữa. Thay vào đó, lịch sử đang gọi tên Guatemala. Và các cuộc khai quật ở kim tự tháp Las Pinturas vẫn còn đang tiếp tục.

Như đã nói, cấu trúc những ngôi đền Maya này giống như một hộp quà trong một hộp quà trong một hộp quà nữa… Mỗi lớp vỏ bọc của nó đều ẩn chứa những bí mật đang chờ đợi chúng ta khám phá.

Tham khảo Science, Newscientist, Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại