Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu đại diện bởi nhà vật lý thiên văn Benjamin Zuckerman từ Đại học California ở Los Angeles (UCLA - Mỹ) đã trình bày tại hội nghị lần thứ 240 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ về những phát hiện kinh ngạc từ G238-44, một ngôi sao lùn trắng.
Ảnh đồ họa về một hệ hành tinh chết quanh sao lùn trắng - Ảnh: NASA/ESA/SIScl
Sao lùn trắng vốn là "thây ma" của những ngôi sao giống Mặt Trời, với khối lượng khổng lồ nhưng bị nén gọn thành một vật thể nhỏ cỡ Trái Đất . Các ngôi sao khi cạn năng lượng sẽ bùng lên lần cuối thành sao khổng lồ đỏ, sau đó sụp đổ thành sao lùn trắng. Mặt Trời của chúng ta sẽ như thế trong vòng chưa đến 5 tỉ năm nữa.
Như các sao lùn trắng khác, G238-44 chưa chết hẳn. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng sốc cho thấy ngôi sao mẹ đã chết này đang xé toạc và ăn thịt những hành tinh mà nó từng tạo ra và nuôi dưỡng khi còn "sống".
Nó còn tham lam tới nỗi "ăn" cả những thứ từ rìa ngoài lạnh giá của hệ sao cũ, tương tự những vật chất băng giá ở Vành đai Kupier bên ngoài hệ Mặt Trời. Điều này được tiết lộ qua các vật chất kim loại và đá ngôi sao chết này đã bồi tụ gần đây.
10 nguyên tố nặng hơn heli đã được phát hiện: carbon, ni-tơ, oxy, ma-giê, nhôm, silic, phốt pho, lưu huỳnh, can xi và sắt, chỉ thẳng tới các hành tinh, tiểu hành tinh và các vật thể khác trong bữa ăn của sao lùn trắng.
Đây là lần đầu tiên một sao lùn trắng bồi tụ bằng cả những thứ bên trong lẫn bên ngoài hệ sao được xác định.
Và đó là một "cửa sổ thời gian" rùng rợn cho nhân loại. Nếu chúng ta may mắn thoát khỏi nguy cơ Mặt Trời có thể quá lớn trong giai đoạn sao khổng lồ đỏ, nuốt mất Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa; thì chúng ta vẫn có thể bị nó xé toạc trong giai đoạn sao lùn trắng.