Theo Sci-News, một vật liệu phosphite mới đã được hình thành do sét đã được tìm thấy ở TP New Port Richey, bang Florida - Mỹ.
Đó là một "fulgurites", còn được gọi là "sét hóa thạch". "Khi sét đánh một cái cây, mặt đất thường nổ tung và cỏ xung quanh chết đi, tạo thành vết sẹo và phóng điện qua đá, đất, cát gần đó, tạo nên sét hóa thạch" - giáo sư Mathew Paskel từ Đại học Nam Florida, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
"Sét hóa thạch" được tìm thấy ở Mỹ - Ảnh: Communications Earth & Environment
Sét hóa thạch được tìm thấy ở Florida chứa một vật chất giống như pha lê, nhiều màu sắc, và là vật liệu chưa từng được tìm thấy trong môi trường tự nhiên trên Trái Đất trước đây.
Các nhà khoa học chỉ tìm thấy "pha lê" lạ này trong các thiên thạch và trong vũ trụ, nhưng không thể biết chính xác vật liệu này có nguồn gốc từ đâu.
Một thí nghiệm tái tạo quá trình vật liệu lạ ra đời đã không thành công, nhưng góp phần khẳng định rằng nó chỉ có thể được tạo ra bởi một thứ đủ mạnh như một tia sét từ vũ trụ. Nó là một dạng phosphate, sinh ra nhờ tia sét đánh trúng các hợp chất phosphides (photphua) trong môi trường tự nhiên của Trái Đất.
Điều này cho thấy các phosphate khác, nguồn phốt pho chủ yếu trên Trái Đất và là một yếu tố cực kỳ quan trọng để sự sống ra đời, có thể đã đến từ những tia sét đánh liên tục vào hành tinh của chúng ta khi còn non trẻ, điều đã được xác nhận trong các nghiên cứu khác.
Trước đó, thứ giúp phốt pho dồi dào trên Trái Đất vẫn là một câu hỏi lớn vì khoáng chất này dưới dạng phosphate được cho là vắng bóng khi hành tinh mới ra đời.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth & Environment.