Các nhà khoa học Australia cho biết một loài cá sấu mới có niên đại từ kỷ Phấn trắng phát hiện ở Queensland, Australia và bữa ăn cuối cùng của nó là một con khủng long con.
Loài cá sấu mới được đặt tên là Confractosuchus sauroktonos. Các nhà khoa học phát hiện ra hóa thạch của nó tại một trại cừu ở bang Queensland, Australia, ước tính hơn 95 triệu năm tuổi.
Nhóm nghiên cứu xác định được rằng bên trong dạ dày của con cá sấu dài 2,5 mét có bằng chứng về xương của một con khủng long nhỏ tuổi.
Đây là bằng chứng đầu tiên về việc cá sấu săn mồi khủng long con ở Australia.
Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ quét tia X và CT để xác định vị trí xương bên trong mẫu cá sấu, xử lý trên máy tính suốt 10 tháng để làm ra bản tái tạo 3D của xương khủng long con.
Họ đã khôi phục được một hộp sọ gần như hoàn chỉnh của con cá sấu. Tuy nhiên, họ chưa thể xác định chính xác con khủng long con bên trong dạ dày của nó là loài nào. Được biết, con khủng long non nặng khoảng 1,7 kg, có thể là một con khủng long chân chim Ornithopod.
Bảo tàng Thời kỳ khủng long Australia cho biết: "Việc phát hiện ra một con Ornithopod non trong dạ dày của cá sấu ở kỷ Phấn trắng là vô cùng hiếm. Chỉ có một số ít bằng chứng về việc săn mồi của khủng long trên toàn cầu".
Matt White, chuyên gia tại Bảo tàng Thời kỳ khủng long Australia, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: "Mặc dù khủng long không phải là thức ăn thường xuyên của cá sấu nhưng nó sẽ không bỏ qua khi có cơ hội. Do không có các mẫu vật toàn cầu để so sánh, con cá sấu thời tiền sử và bữa ăn cuối cùng này cung cấp manh mối về mối quan hệ và hành vi của các loài động vật sinh sống ở Australia hàng triệu năm trước".