Mực nước biển dâng cao có thể làm xói mòn bờ biển của Anh và khiến nhà cửa gặp nguy hiểm, trong đó Đập sông Thames (Thames Barrier) được thiết kế để bảo vệ thủ đô London khỏ bị lũ lụt, có thể cần được nâng cấp để đối phó với thủy triều dâng cao.
Những thay đổi đáng kể về cảnh quan có thể khiến các chính phủ trong tương lai buộc phải lựa chọn nơi họ xây dựng hệ thống chống ngập.
Ngôi làng ven biển vùng trũng thấp Fairbourne ở xứ Wales có thể bị nước nhấn chìm, khiến hội đồng địa phương lo ngại nơi đây sẽ không thể ở được vào năm 2050. Cư dân địa phương đã được kêu gọi rời đi để khu vực này có thể bị dỡ bỏ và biến thành vùng đầm lầy.
Theo các nhà khoa học, khí nhà kính đã làm ấm bầu khí quyển đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao từ 17,5 mm đến 52,4 mm vào năm 2100. Họ cảnh báo rằng bất kỳ sự nóng lên thêm nào nữa sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.
Toàn cảnh thị trấn Fairbourne của xứ Wales, nơi có thể không thể ở được vào năm 2050 do ngập lụt. (Ảnh: Sky News)
Và băng ở Bắc Cực tan càng nhanh thì nó càng biến mất nhanh hơn, trong một quá trình được gọi là hiệu ứng Albedo. Điều này có nghĩa là phần lớn năng lượng của mặt trời được hấp thụ bởi đại dương nhiều hơn thay vì bị băng trắng phản chiếu trở lại không gian.
Nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu, gây ra sự hỗn loạn đối với môi trường sống của động vật hoang dã và con người.
Lượng băng giảm dần có thể làm mất ổn định dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương, được gọi là dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc), có nghĩa là Vương quốc Anh có mùa đông ôn hòa hơn so với Nga và Canada.
Tuy nhiên, nếu băng tan quá nhiều, nó có thể làm thay đổi nồng độ muối và nhiệt độ trong đại dương, khiến Amoc sụp đổ và đẩy Vương quốc Anh vào vùng có khí hậu lạnh hơn nhiều. Kịch bản này cũng có thể làm tăng tốc độ ấm lên ở vùng nhiệt đới, khiến một số nhà khoa học lo ngại điều này có thể xảy ra trong thế kỷ tới.
Thames Barrier, được xây dựng để bảo vệ London khỏi lũ lụt, có thể cần được nâng cấp để đối phó với thủy triều dâng cao. (Ảnh: AP)
Một nghiên cứu mới được đăng tải hôm 12/10 trên tạp chí Những tiến bộ khoa học của Mỹ cho thấy, khối lượng của 40% thềm băng Nam Cực đã giảm mạnh trong 25 năm qua, làm tăng nguy cơ nước biển dâng .
Các nhà khoa học đã phân tích hơn 100.000 bức ảnh vệ tinh để đánh giá tình trạng của 162 thềm băng tại Nam Cực trong giai đoạn từ năm 1997 - 2021. Kết quả cho thấy, xu hướng tan chảy khiến 71 trong 162 thềm băng bị giảm khối lượng, trong đó có 68 thềm băng bị giảm ở mức đáng kể.
Các số liệu được công bố mới đây cho thấy, băng biển bao quanh Nam Cực đã xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông vừa qua tại Nam bán cầu, khiến các nhà khoa học lo ngại tác động của biến đổi khí hậu tại đây đang tăng lên.
Việc nước ngọt tràn vào đại dương sẽ làm giảm độ mặn của nước ở Nam Đại Dương, khiến nước trở nên nhẹ hơn, làm chậm quá trình chìm xuống và có nguy cơ làm suy yếu mạng lưới các dòng hải lưu, gây tác động lớn tới khí hậu toàn cầu.