Thực ra, cơ thể của chúng ta gần như... không có thực. Chúng được cấu thành từ những nguyên tử, mà cấu tạo của nguyên tử lại chứa khoảng trống. Nói cách khác, toàn bộ cơ thể của chúng ta, cũng như vạn vật trên Trái đất này, đều... thủng lỗ chỗ.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề chúng ta cần bàn đến. Thứ bài viết này đề cập là một khái niệm khác, đó là thành phần cấu tạo nên cơ thể của chúng ta.
Bạn biết đấy, mỗi sự vật trên Trái đất là một thực thể riêng biệt. Tuy nhiên về thành phần, hóa ra tất cả chúng ta đều được cấu tạo từ một thành phần hoàn toàn bất ngờ. Đó là bụi sao - stardust (bụi trong vũ trụ có dạng nhỏ như phân tử).
Chúng ta được tạo thành từ bụi sao?
Đây là kết luận do các chuyên gia thuộc Đài quan sát Apache tại New Mexico (Mỹ) đưa ra sau khi quan sát hơn 150.000 ngôi sao.
Bằng cách phân tích quang phổ, nhóm chuyên gia phân tích được thành phần hóa học trong khí quyển của từng ngôi sao.
Họ đã phát hiện ra sự thật rằng, tất cả đều chứa CHNOPS (tên viết tắt của 6 nguyên tố cơ bản cho sự sống: carbon, hydro, ni-tơ, oxy, phốt-pho, lưu huỳnh sulfur). Hay nói cách khác, chúng ta đều được tạo thành từ bụi sao, với chính những nguyên tố như thế.
Đài quan sát thiên văn tại New Mexico
Sten Hasselquist - nhà nghiên cứu thuộc ĐH New Mexico cho biết: "Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể nghiên cứu sự phân bổ nguyên tố trong cả dải ngân hà. Những nguyên tố chúng ta xét đến bao gồm cả số nguyên tử đủ để cấu thành 97% khối lượng cơ thể".
Đây là lần đầu tiên chúng ta xác định được những nguyên tố thuộc nhóm CHNOPS có thể xuất hiện ở các ngôi sao với số lượng lớn như thế.
Ngoài ra, những ngôi sao càng ở gần trung tâm ngân hà càng chứa nhiều nguyên tố dạng này hơn. Điều này cũng có thể hiểu là tin mừng, vì có khả năng người ngoài hành tinh sẽ không xuất hiện ở những nơi quá xa, sang tận thiên hà khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy.
Nguồn: Daily Mail