Trong kết quả của mình được phát hành trên tạp chí Frontier, các nhà nghiên cứu của Đài Loan đã chỉ ra các phương cách mà loài mực lá (tên khoa học là Spioteuthis lessoniana) giao tiếp với nhau, dựa vào thay đổi các tế bào sắc tố trên da của chúng.
Bằng việc quan sát loài mực này ở cả thiên nhiên và trong bể thuỷ sinh, các nhà nghiên cứu nhận ra được cách biểu hiện "cảm xúc" của cả con đực và con cái qua việc thay đổi màu sắc.
Cụ thể, mực cái sẽ chuyển sang màu thẫm hơn khi chúng không "vừa ý" với con đực đang ve vãn nó. Và sau khi tranh chấp bạn tình, con mực đực nào chiến thắng sẽ chuyển sang màu da sáng hơn bình thường.
Sự thay đổi màu sắc của mực đực khi chiến thắng con khác (hình trên) và mực cái khi không chấp nhận bạn tình (hình dưới)
Khi giao tiếp không chỉ gói gọn bởi âm thanh
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng nhận ra được rằng ở loài mực lá, mỗi tế bào sắc tố có nhiệm vụ phụ trách biểu hiện cho nhiều hành vi khác nhau.
"Cũng tương tự như con người, mỗi một từ vựng sẽ mang nhiều nghĩa khác nhau, nhưng khi kết hợp với một từ khác, nghĩa của cụm từ đó sẽ mang ý nghĩa rệt hơn" - các nhà khoa học phát biểu về chức năng của tế bào sắc tố của mực lá.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã có "bảng chữ cái" dành cho loài động vật thân mềm này để có thể nắm bắt nhiều hơn về cách giao tiếp của chúng.
Tuy nhiên, họ vẫn chưa trả lời được hai câu hỏi lớn: Làm thế nào mà chúng có thể nhận thấy được sự thay đổi màu sắc của con khác? Và cách nào để chúng chọn được "biểu cảm" bằng màu da phù hợp nhất? Có lẽ sẽ cần nhiều nghiên cứu nữa để có thể giải đáp cho câu hỏi này.
Nguồn: Curiosity, Deeplook