Các cầu thủ đội tuyển bóng đá nam Việt Nam lại một lần nữa đem về cảm xúc vỡ òa cho người hâm mộ. Dù không dành chiến thắng trước UAE, nhưng các chàng trai cũng đã giúp Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử ghi danh vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Một điều khiến khán giả tự hào không kém đó là trước đối thủ sừng sỏ như UAE, Việt Nam chỉ để thua với tỉ số sát nút 3-2.
Trong 2 bàn thắng mà Việt Nam có được thì bàn thắng của Tiến LINH ở những phút 84 của trận đấu được BLV mặn mòi Tạ Biên Cương miêu tả là "bàn thắng dệt gấm thêu hoa, xứng đáng vào sách giáo khoa". Đúng thật là, sau những chiến công của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây thì việc một lần để những câu chuyện này xuất hiện trong SGK quả là rất hợp lý.
Nhưng đó chỉ là một giả thiết thôi, còn ở thực tế thì hầu như đội tuyển bóng đá nam Việt Nam chưa xuất hiện ở bài học nào trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy vậy, có 1 chiến tích oanh liệt không kém của thể thao nước nhà từng chễm chệ vào sách giáo khoa mà đến nay sự kiện này vẫn được nhắc lại.
Trong bài 13, sách Giáo dục công dân lớp 6 có truyện đọc mang tên "Cô gái Vàng của Thể thao Việt Nam". Bài đọc này kể về nữ vận động viên Wushu Nguyễn Thuý Hiền cùng thành tích huy chương Vàng giải Vô địch Wushu Thế giới đáng tự hào mà cô đã đoạt được. Bài viết được trích từ một bài báo cách đây gần 20 năm và khi đó, chắc chắn người Việt Nam nào cũng biết đến người phụ nữ này.
Cô được xem là VĐV Wushu huyền thoại của làng thể thao Việt Nam với 7 huy chương Vàng thế giới, 2 huy chương Vàng châu Á, 2 huy chương Vàng Đông Nam Á, và là vận động viên wushu Việt Nam dành nhiều huy chương Vàng nhất tại các kỳ SEA Games với 8 lần bước lên bục cao nhất.
Cô cũng từng 6 lần đoạt danh hiệu Vận động viên tiêu biểu trong năm của thể thao Việt Nam (các năm 1993, 1996, 1997, 1998, 1999, 2001), được Nhà nước Việt Nam trao đủ bộ Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Cô cũng được chọn là vận động viên đại diện cho thể thao Việt Nam rước đuốc trong lễ khai mạc SEA Games 22 (2003) tại sân vận động Mỹ Đình.
Không chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 6, Thúy Hiền còn từng có mặt trong cả sách Tiếng Việt lớp 3 ở phân môn Tập đọc. Trong quyển sách này, thành tích của cô được trích dẫn trong một bài đọc mang tên "Bản tin".
Thế mới thấy người Việt Nam rất yêu thể thao và cũng rất trân trọng các thành tích mà các vận động viên, các cầu thủ mang về cho nước nhà. Và biết đâu một ngày nào đó, bàn thắng của Minh Vương hay đội tuyển Việt Nam sẽ xuất hiện trong các bài học của học sinh phổ thông thì sao?