Tốt nghiệp ra trường, nhiều sinh viên hào hứng ứng tuyển vào công ty mình yêu thích với hừng hực khí thế và quyết tâm. Thế nhưng hiện thực nhanh chóng khiến họ tỉnh giấc, bởi lẽ xin việc giờ đây càng ngày càng trở nên khó hơn. Một trong những "cái khó" đó phải kể đến việc nhà tuyển dụng hiện tại rất thích dùng những câu hỏi tình huống oái oăm để kiểm tra năng lực ứng xử, EQ của ứng viên thay vì các câu hỏi chuyên môn như thông thường.
Tiểu Văn vừa tốt nghiệp đại học năm ngoái. Bản thân cô biết công việc bây giờ không dễ kiếm, nhất là đối với một sinh viên mới ra trường, chưa có quá nhiều kinh nghiệm làm việc, bởi vậy nên Tiểu Văn luôn chuẩn bị rất kỹ càng trước mỗi buổi phỏng vấn. Ấy vậy nhưng điều đó dường như đã không giúp ích được gì cho Tiểu Văn, ít nhất là trong buổi phỏng vấn gần đây nhất của cô nàng. Thật may là sau tất cả, bằng cách xử trí thông minh, Tiểu Văn vẫn thành công nhận việc.
Ảnh minh họa
Theo đó, mới đây Tiểu Văn nhận được mail mời phỏng vấn của một công ty về quảng cáo mà cô nàng vốn rất thích. Cuộc phỏng vấn ban đầu diễn ra khá suôn sẻ, người phỏng vấn chỉ hỏi các ứng viên một số thông tin rất cơ bản. Tuy nhiên, cú "twist" nằm ở cuối buổi khi người phỏng vấn bất ngờ đặt ra một câu hỏi chung cho Tiểu Văn và 2 ứng viên còn lại trong phòng:
"Bạn nhặt được 150 triệu nhưng chủ nhân số tiền lại nó thiếu mất 100 triệu rồi, bạn sẽ xử lý thế nào?".
Phản ứng đầu tiên của các ứng viên khi nghe câu hỏi này là hơi sốc, bởi có lẽ không ai nghĩ rằng người phỏng vấn lại hỏi một câu hỏi như vậy. Nhưng dù sao đã có câu hỏi thì buộc phải có câu trả lời.
Ứng viên đầu tiên là một người đàn ông trông có vẻ rất trải đời và đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trực tiếp trả lời: "Quá đơn giản, tất nhiên là chọn gọi công an rồi! Mình không làm sai thì không việc gì phải sợ, ngược lại, mình nên tìm người có thể giúp lại công bằng cho mình. Nếu chủ nhân số tiền nói dối, tôi tin anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, báo công an còn có thể giúp xác định xem người đó có thực sự là chủ nhân số tiền hay không".
Ứng viên thứ hai là một sinh viên cũng vừa tốt nghiệp như Tiểu Văn. Anh chàng đáp: "Câu hỏi này đặt ra hơi phi thực tế. Giữa thời đại công nghệ, thanh toán online phát triển như vậy, đừng nói là 150 triệu mà 50k có khi còn khó nhặt được trên đường ấy chứ. Do vậy, tình huống không được thành lập và câu hỏi cũng trở nên vô nghĩa".
Ảnh minh họa
Dù dành lời khen cho sự cá tính của ứng viên này nhưng người phỏng vấn vẫn chưa thực sự thấy hài lòng. Anh ta ra hiệu cho ứng viên cuối cùng, tức Tiểu Văn lên tiếng.
Tiểu Văn suy nghĩ một lúc rồi cười nói: "Tôi sẽ nói với người đó rằng, vì tôi chỉ nhặt được có 150 triệu mà người đó lại mất 250 triệu, suy ra số tiền 150 triệu này chắc chắn không phải của người đó. Tôi nghĩ cách tốt nhất để đối phó với những kẻ bất hảo là phải trở nên 'bất hảo' hơn cả họ".
Sau khi nghe xong, người phỏng vấn mỉm cười. Cuối cùng, người phỏng vấn đã chọn Tiểu Văn. Lý do được đưa ra là: "Trong cuộc sống cũng như trong công việc, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải những vấn đề vô nghĩa hoặc nghe có vẻ rất ngốc nghếch, nhưng trên thực tế, dù có thế nào thì chúng ta vẫn phải tìm cách giải quyết chúng. Thái độ của chúng ta đối với việc này là rất quan trọng".
Còn bạn có câu trả lời nào hay hơn Tiểu Văn không?
Nguồn: Sohu