Bán mặt hàng Campuchia nhập khẩu cực nhiều từ VN, DN có nhà máy hiện đại top đầu cả nước ăn nên làm ra

Pha Lê |

Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào sản xuất urê và các sản phẩm từ phân đạm.

Lợi nhuận tăng vọt của Đạm Cà Mau

Phân bón là một mặt hàng quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giá trung bình đạt 332,2 USD/tấn.

Ở chiều ngược lại, cả nước xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 530,66 triệu USD, giá trung bình 410,3 USD/tấn, tăng 8,5% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu phân bón, Campuchia là thị trường xuất khẩu truyền thống, chiếm thị phần lớn nhất của Việt Nam. Riêng thị trường này đã chiếm 32,4% trong tổng khối lượng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 418.893 tấn, tương đương 174,2 triệu USD, giá trung bình 415,9 USD/tấn. Riêng tháng 9/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 50.500 tấn, tương đương 21,07 triệu USD, giá trung bình 417,3 USD/tấn.

Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất phân bón trên cả nước, trong số đó, nổi bật phải kể đến Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, DCM).

Đạm Cà Mau là một trong những doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào sản xuất urê và các sản phẩm từ phân đạm. Nhà máy Đạm Cà Mau là nhà máy sản xuất phân đạm urê hạt đục hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Trong thời gian qua, Đạm Cà Mau là một doanh nghiệp ghi dấu ấn tượng vì có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo tài chính, DCM ghi nhận doanh thu quý 3/2024 đạt 2.634 tỷ đồng (giảm 12,5% so với cùng kỳ).Mức sụt giảm trong doanh thu trong quý chủ yếu là do doanh thu mảng ure giảm 40,8% so với cùng kỳ mặc dù mảng NPK tăng trưởng cao. Trong đó, tổng sản lượng ure bán ra giảm 44,3% so với cùng kỳ (ở cả trong nước lẫn xuất khẩu) xuống mức 138.000 tấn, do hoạt động bảo dưỡng nhà máy từ 16/8 - 1/9 cùng tình hình mưa lũ trong giai đoạn tháng 7 - 8/2024.

Với việc DCM hợp nhất công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt KVF (từ 1/4/2024) đưa tổng công suất NPK từ 300.000 tấn lên 660.000 tấn/năm, mảng NPK có doanh thu tăng 76% so với cùng kỳ lên 617 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng 41% so với cùng kỳ và giá bán tăng 24,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, DCM ghi nhận doanh thu đạt 9.242 tỷ đồng (tăng 2,3% so với cùng kỳ).

Trong quý 3, DCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 121 tỷ đồng (tăng 62,7% so với cùng kỳ). Tổng chung 9 tháng năm 2024 LNST đạt 1.056 tỷ đồng (tăng 71,3% so với cùng kỳ), do khoản lãi giao dịch mua giá rẻ 167 tỷ đồng từ hoạt động mua lại KVF trong quý 2. Ngoài ra, LNST cũng được hỗ trợ tích cực nhờ chi phí khấu hao giảm 81,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mức tăng doanh thu là do sản lượng NPK tăng 39,3% so với cùng kỳ bù đắp cho mức giảm sản lượng ure bán ra 13,4% so với cùng kỳ.

Chiến lược mở rộng thị trường linh hoạt

Đạm Cà Mau cho biết đang thực hiện linh hoạt chiến lược kinh doanh, tiếp tục ưu tiên phục vụ thị trường nội địa nhưng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khi trong nước vào mùa thấp điểm.

Doanh nghiệp này đang hiện diện tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, công ty đang tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng thâm nhập sang các thị trường mới.

Đạm Cà Mau đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%) , Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil… Trong khi đó, các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh như OM CAMAU, DAP CAMAU, các dòng NPK CÀ MAU… xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 DCM.

Trong quý 1/2024, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu thành công phân ure sang 2 thị trường "khó tính" Australia và New Zealand, và có đơn hàng hơn 35.000 tấn phân bón sang Mexico. Cuối tháng 5 vừa qua, Đạm Cà Mau đã làm việc với Ameropa AG (Thuỵ Sĩ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón và một số đầu mối phân phối, kinh doanh phân bón lớn hàng đầu tại Lào, Thái Lan… nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Hồi tháng 9 vừa qua, công ty cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận ký kết, Samsung sẽ xuất khẩu sản phẩm do công ty sản xuất như NPK, Urê hạt đục,... vào thị trường thế giới, trong khi đó, Đạm Cà Mau sẽ nhập khẩu Urea, DAP, MOP, Amsul... từ Samsung để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất và thương mại.

Để thực hiện được mục tiêu mới rộng thị trường của mình, DCM đã và đang đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển hạ tầng kho cảng, logistics, đảm bảo rút ngắn thời gian, tối ưu chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, DCM cũng triển khai các giải pháp tăng công suất vận hành nhà máy an toàn lên 10 - 20%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại