Bàn làm việc từ lâu luôn được xem là “ngôi nhà” của trí não. Đó là không gian thân mật nơi bạn có thể đưa ra những ý tưởng và suy nghĩ của mình. Không gian bàn làm việc có thể thay đổi hàng năm, hoặc tùy thuộc vào sở thích, phong cách và tính chất công việc của mỗi người.
Hiện nay, trên thế giới, người ta còn có thể thuê không gian làm việc với đồ đạc vui nhộn, bàn bể bơi, tường bằng đá và có rượu miễn phí. Thậm chí, ở London còn có dịch vụ cho thuê ghế làm việc tại phòng ăn theo giờ - một giải pháp hoàn hảo cho những người sống trong căn hộ chật hẹp và đã chán phải ra quán café làm việc.
Và tất nhiên, nếu bạn muốn biết các thiên tài như Elon Musk, Thomas Edison, hay Mark Zuckerberg tư duy thế nào, hãy nhìn vào bàn làm việc của họ.
Elon Musk
Khi xe điện Model X của Tesla được sản xuất, Elon Musk đã chuyển bàn làm việc của anh đến cuối dây chuyền sản xuất – ngay bên cạnh túi ngủ - nơi anh dành 100 giờ mỗi tuần.
Một điều thú vị là bàn làm việc của Elon Musk tại SpaceX trông đơn giản đến tầm thường, thậm chí nó khá nhạt nhẽo. Musk cho rằng thay vì để bàn làm việc với mớ giấy tờ lộn xộn, anh duy trì nó gọn gàng nhất để có thể tập trung tâm trí cho tương lai.
Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson
Khó ai có thể tưởng tượng được cha đẻ của Bản tuyên ngôn độc lập nước Mỹ - Tổng thống Thomas Jefferson lại làm việc trên một chiếc bàn chạm khắc bằng gỗ, đặt trong văn phòng. Nhưng điều thú vị là hầu hết những công việc quan trọng của ông được hoàn thành trên bàn làm việc DIY (bàn làm việc tự thiết kế).
Jefferson đã thiết kế một chiếc bàn di động, có thể di chuyển trong suốt hành trình ông đi từ Virginia đến Philadelphia. Nó có một mặt nghiêng nằm trên ngăn kéo khóa, nơi cất giữ bút và mực. Ông đã viết bản thảo của Bản tuyên ngôn độc lập nước Mỹ trên chính chiếc bàn di động này.
Mark Zuckerberg
Đặt ở giữa văn phòng được thiết kế theo kiểu hang động và không có tường của Facebook, bàn làm việc của Mark Zuckerberg có không gian mở để trao đổi như những người bạn trên Facebook.
Bàn làm việc của anh được thiết kế đơn giản với bề mặt bằng đá graffiti, và chứa đồ ăn vặt cũng như nước uống trên bàn. Đó là một không gian lý tưởng khuyến khích sự trao đổi cởi mở.
Thomas Edison
Bàn làm việc của “thiên tài” Thomas Edison đầy những hố và hộc bàn nhỏ - nơi lý tưởng để ông lưu giữ các phát minh hiện tại và tương lai. Từ chiếc bàn làm việc này, ông vận hành 30 công ty khác nhau, quản lý 30 nhóm nghiên cứu công nghệ mới và ngồi giữa một tầng hầm với hàng nghìn cuốn sách và bằng sáng chế.
Các máy ghi âm, bóng đèn sợi đốt, máy ghi âm điện, lò nung xi măng… đều nằm trong số 1.000 sáng chế này của ông. Sự chuyển động của những trang giấy trên bàn làm việc phản ánh suy nghĩ và những câu hỏi trong đầu nhà phát minh vĩ đại này.
Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy xa lạ khi nhìn vào những chiếc bàn làm việc không có máy tính hoặc công nghệ hiện đại của những “thiên tài” thời xưa, nhưng không gian dành cho tư duy và sự sáng tạo thì luôn còn giá trị với thời gian.
Đó là bởi vì không gian bàn làm việc giống như những cánh đồng sinh ra ý tưởng thành văn bản, phát minh, tác phẩm nghệ thuật hoặc hành động.
Các ý tưởng có thể vĩ đại hay không vĩ đại, tùy vào từng thời điểm chúng được phát minh ra, nhưng có một điều chắc chắn là chúng luôn xuất phát từ bàn làm việc – nơi duy nhất có khả năng biến những suy nghĩ trừu tượng thành hành động thực tế.
Và chắc chắc, bàn làm việc vẫn sẽ là nơi khởi nguồn của những ý tưởng và phát minh trong tương lai.