Báo cáo ngành kinh doanh hàng xa xỉ năm 2023 vừa được Vietdata cập nhật cho thấy, dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh hàng xa xỉ vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Nổi bật nhất trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam phải kể đến là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) khi dữ liệu từ Vietdata cho thấy trong năm 2022, tổng doanh của 02 doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ phẩm của IPPG hiện dẫn đầu thị trường, bỏ xa hàng loạt doanh nghiệp và thương hiệu đình đám khác.
Cụ thể, hiện nay, mảng kinh doanh hàng hiệu xa xỉ của IPPG được thông qua 2 công ty thành viên là DAFC và ACFC.
Đầu tiên, với DAFC , từ năm 2005, IPPG chính thức quyết định mở rộng kinh doanh bán lẻ thời trang cao cấp. Theo đó, DAFC được thành lập phân phối cho hơn 50 thương hiệu thời trang, trang sức, đồng hồ cao cấp trên thế giới như: Rolex, Burberry, Armani Exchange,...
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của Vietdata cho thấy, mặc dù trong thời kỳ dịch bệnh DAFC phải đóng cửa nhiều cửa hàng nhưng doanh thu của công ty này vẫn duy trì ở mức ổn định dao động trong khoảng 1.500 tỷ.
Sang đến năm 2022 , DAFC đã tăng doanh thu của công ty lên 2.189 tỷ đồng . Lợi nhuận sau thuế cũng có xu hướng tăng lên và đạt hơn 136 tỷ đồng trong năm 2022.
Đối với, ACFC , năm 2009, IPPG mở rộng kinh doanh sang phân khúc thời trang trung cấp với công ty thành viên ACFC.
Theo giới thiệu, ACFC phân phối hơn 24 thương hiệu và có hệ thống hơn 270 cửa hàng được đặt ở trung tâm các thành phố lớn. Các thương hiệu ACFC phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam như Nike, Mango, Levi's, Gap, Old Navy, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Mothercare, OVS,...
Về tình hình kinh doanh của ACFC, dữ liệu của Vietdata cho thấy có phần hụt lại trong năm 2021 do chịu sự tác động của dịch bệnh, nhưng bước qua năm 2022 , doanh nghiệp này đã phục hồi lại thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn và đạt 2,932 tỷ đồng .
Về lãi ròng, năm 2021 doanh nghiệp này đã chịu lỗ gần 50 tỷ nhưng qua năm 2022 ACFC đã chuyển mình và ghi nhận mức lợi nhuận 197 tỷ đồng .
Như vậy, trong năm 2022, DAFC và ACFC đã đem về doanh thu 5.121 tỷ đồng và 333 tỷ đồng lãi ròng cho IPPG.
Về IPPG, theo giới thiệu, doanh nghiệp được thành lập năm 1986 là tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam và chiếm đến 70% thị trường hàng hiệu quốc tế trong nước.
IPPG là tập đoàn kinh doanh bản lẻ hàng đầu Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Đến nay, sau 38 năm, IPPG đã phát triển với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết.
Về triển vọng của thị trường hàng xã xỉ phẩm, Vietdata đánh giá Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp.
Đến nay, các thương hiệu lớn như Dior, Louis Vuitton, Chanel,.. đã mở các cửa hàng tại các thành phố lớn ở Việt Nam nhưng số lượng cửa hàng lại không nhiều vì các thương hiệu này chỉ nhắm vào một phân khúc nhỏ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Mặc dù thời trang xa xỉ không nhắm vào số đông, chỉ một phân khúc khách hàng nhỏ sẵn sàng chi trả cho những mặt hàng xa xỉ này nhưng doanh thu của các mặt hàng xa xỉ này luôn ở mức cực kỳ cao.
“Việt Nam đang là thị trường nổi bật tại Đông Nam Á khi sở hữu nguồn cầu mạnh mẽ, khó khăn trong việc di chuyển ra nước ngoài của người Việt cũng một phần nào tác động nên nhu cầu mua sắm trong nước của người tiêu dùng Việt hiện nay. Bên cạnh việc mở cửa hàng tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn ở châu Âu đã hợp tác với các doanh nghiệp phân phối chính cho nhiều thương hiệu cao cấp trong nước”, Báo cáo ngành kinh doanh hàng xa xỉ năm 2023 của Vietdata nhận định.