Bản đồ kỳ lạ: Tìm ra khu vực nguyên thủy nhất Trái Đất, không bị "nặng mùi con người"

Trang Ly |

Một nửa Trái Đất may mắn chưa có tác động sâu sắc của con người.

 

Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ nơi nao? Biến mất! Tất cả rồi sẽ biến mất!

Trích lá thư Thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle gửi Tổng thống Mỹ năm 1852

Tính đến tháng 6/2020, Trái Đất đang mang trên mình nó 7,8 tỷ người. Năm 2019, Tokyo (thủ đô của Nhật Bản) là thành phố đông dân nhất hành tinh với hơn 38 triệu người sinh sống trong một vùng diện tích rộng 2.188 km².

Tuy nhiên, nếu tính mật độ dân số trên một dặm vuông thì thành phố Mumbai của Ấn Độ đứng ngôi đầu bảng với 76.790 người / 1 dặm vuông (dù tổng dân số của Mumbai tính đến năm 2019 chỉ là 14,3 triệu người), theo dữ liệu của USAToday.

Những con số này nói lên điều gì? Trên Trái Đất, dân số tại những thành phố/đô thị này vẫn không ngừng phình to, trong khi đó, đâu đó trên bản đồ thế giới lại có những nơi không có dấu chân của con người. Đây là một điều may mắn!

NHỮNG NƠI KHÔNG CÓ "DẤU CHÂN CON NGƯỜI"

Trong một nỗ lực lập bản đồ tác động của con người gây ảnh hưởng lên thế giới tự nhiên, tác giả chính Jason Riggio, một nhà sinh thái học không gian tại Đại học California (Mỹ) hy vọng bản đồ có thể thu hút mối quan tâm của các chính phủ, tổ chức cho mục tiêu bảo vệ một nửa hành tinh còn nguyên vẹn vào năm 2050 tại cuộc họp tiếp theo của Công ước về Đa dạng sinh học, dự kiến diễn ra ​​vào năm 2021.

Bản đồ kỳ lạ: Tìm ra khu vực nguyên thủy nhất Trái Đất, không bị nặng mùi con người - Ảnh 2.

Nguồn: JASON RIGGIO / GLOBAL CHANGE BIOLOGY

Chú thích bản đồ: Màu xanh đậm: Tác động của con người ở mức thấp - Các màu xanh nhạt dần (3 màu): Tác động vừa phải - Màu vàng nhẹ: Tác động của con người ở mức cao.

Các mức độ tác động của con người được đánh giá dựa trên các tiêu chí: Chuyển đổi đất đai bởi nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các khu định cư (không tính đến những nhà khoa học đến làm việc).

Có thể thấy rõ trên bản đồ đăng chính thức trên tạp chí Global Change Biology, các khu vực như sa mạc Sahara, rừng mưa Amazon, sa mạc ở Úc, cao nguyên Tây Tạng, đài nguyên ở Nga, rừng phương Bắc ở Canada là những nơi có tác động thấp của "dấu chân con người". Điều này cũng cho thấy, các khu vực có tác động thấp phân bố không đồng đều trên Trái Đất, nghĩa là nó tồn tại giữa các loại hệ sinh thái khác nhau.

Các nhà khoa học đều đồng ý rằng, khoảng một nửa Trái Đất cho thấy tác động của con người ở mức độ thấp, và khoảng một nửa trong số đó, tức là một phần tư bề mặt Trái Đất có thể được mô tả là tác động của con người rất thấp.

Trong bức tâm thư của thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle (1786-1866) gửi Tổng thống thứ 14 của Mỹ Franklin Pierce năm 1854 có đoạn: Điều gì sẽ xảy ra khi từng đàn trâu cứ thế bị tàn sát? Từng đàn ngựa hoang kiêu hãnh bị thuần hóa? Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ nơi nao? Biến mất! Tất cả rồi sẽ biến mất!

Cho đến nay, bức thư trở thành 'tuyên ngôn' của phong trào bảo vệ môi trường với thông điệp nhấn mạnh mối quan hệ không thể tách rời giữa Thiên nhiên và Con người, cùng lời cảnh tỉnh sâu sắc về 'trái đắng' mà con người phải nhận lấy nếu không biết cách trân trọng tự nhiên.

Vậy, vì sao giới khoa học lại lập bản đồ này? Các nhà nghiên cứu nói rằng vì 50% Trái Đất chỉ có mức độ tác động thấp của con người, nên những lời kêu gọi cấp thiết để bảo tồn một nửa hành tinh đối với thiên nhiên là có thể đạt được.

Trong một thế giới đang ngày càng bị đe dọa bởi nóng lên toàn cầu, sự phình to dân số, khai thác tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đặc biệt là sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra mạnh mẽ thì nỗ lực kêu gọi thế giới bảo vệ sự nguyên vẹn của một nửa Trái Đất là yêu cầu cấp bách.

Maria Dornelas, nhà sinh thái học tại Đại học St. Andrew ở Scotland cho biết: Việc bảo tồn phần lớn vùng hoang dã là một mục tiêu quan trọng đối với các chính phủ, mặc dù đây là vùng không phải lúc nào cũng có nhiều loài thực vật và động vật nhất. Trên toàn cầu, vùng nhiệt đới chứa hệ sinh thái đa dạng nhất Trái Đất. Nhưng nếu chúng ta chỉ bảo tồn các khu rừng nhiệt đới, chúng ta sẽ mất tất cả các loài gấu Bắc cực và tất cả các loài thực vật vùng lãnh nguyên cũng như tất cả các loài ở sa mạc.

Maria Dornelas và các đồng nghiệp của cô đã tạo ra bản đồ toàn cầu của riêng mình, thể hiện các mối đe dọa đối với các loài thực vật và động vật, từ biến đổi khí hậu, phá rừng đến ô nhiễm. Bản đồ của họ trông khá khác biệt, với các điểm nóng về các mối đe dọa ở Ấn Độ, Bắc Âu. Nó nhấn mạnh một thực tế là nếu không có sự bảo vệ hoặc phục hồi, các loài và hệ sinh thái ở những khu vực có tác động cao của con người có thể sẽ vĩnh viễn biến mất nhiều hơn.

Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic, USAToday

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại