Chưa biết liệu đề xuất của Triều Tiên có được đưa ra đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây hay không và kết quả của đàm phán sẽ như thế nào, song dư luận nhìn chung đánh giá cao đề xuất của Triều Tiên.
Theo thông tin từ một người phát ngôn giấu tên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra hôm qua (8/4), Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Cũng theo nguồn tin, giới chức hai nước thực tế đang tiến hành các cuộc làm việc kín nhằm chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này.
Thu hút sự chú ý của dư luận song thông tin trên không khiến giới truyền thông và chuyên gia bất ngờ. Bởi lẽ trước đó, giới truyền thông và bản thân nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã không ít lần để ngỏ khả năng Triều Tiên đàm phán về vấn đề này.
Cuối tuần qua, truyền thông Mỹ cũng đưa tin Triều Tiên đã thông báo với Mỹ rằng Triều Tiên sẵn sàng thảo luận việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Theo thông tin được kênh CNN đăng tải ngày 7/4, Mỹ và Triều Tiên đang tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và bí mật trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước. CNN cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) - người được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo, cùng đội ngũ phụ tá đang làm việc với phía Triều Tiên thông qua các kênh tình báo để chuẩn bị cho sự kiện.
Trước đó, trong cuộc gặp giới chức Hàn Quốc tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã cam kết phi hạt nhân hóa và muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump càng sớm càng tốt. Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận lời đề xuất.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau trước cuối tháng 5 tới. Nếu thành hiện thực, cuộc gặp sẽ là lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau 1 năm Bán đảo Triều Tiên luôn trong trạng thái “tăng nhiệt” và lãnh đạo 2 nước “lời qua tiếng lại” liên quan đến việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Mỹ.
Theo giới phân tích, chưa có gì đảm bảo chắc chắc Triều Tiên sẽ đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào tháng 5 tới. Lịch sử tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhiều năm qua cho thấy còn quá sớm để hy vọng căng thẳng hiện nay sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về đề xuất đối thoại của Triều Tiên liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa. Một số ý kiến cho rằng, Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ nhượng bộ trong một số vấn đề, chẳng hạn như việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Một số chuyên gia khác lại chỉ ra rằng, việc đem các thỏa thuận phi hạt nhân hóa nhằm đổi lấy viện trợ rốt cuộc đều sẽ đổ vỡ. Thế nên, kết quả còn phụ thuộc vào thời gian và sự chân thành và điều kiện mà các bên đưa ra cho nhau. Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn có quyền vui mừng, nhưng cũng thận trọng trước những diễn biến mới nhất trong vấn đề Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến những thay đổi tích cực. Các bên đều để ngỏ những tương tác tích cực đối với nhau. Điều này sẽ góp phần khởi động đối thoại và đàm phán cũng như tạo cơ hội cho các bên. Trung Quốc hy vọng các bên có thể duy trì tình hình này, duy trì các cuộc tiếp xúc và đối thoại và tạo điều kiện khởi động đối thoại một cách êm đẹp”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong giải quyết mọi vấn đề mâu thuẫn, dù gay gắt đến đâu, đối thoại hòa bình luôn là giải pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, song nó luôn kèm theo điều kiện tiên quyết là sự tin cậy, chân thành và thiện chí của tất cả các bên./.