Bán đảo Triều Tiên 2021: ICBM “ chào mừng” tân Tổng thống Mỹ?

Phạm Hà |

Có dự đoán cho rằng có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong những ngày đầu cầm quyền của ông Joe Biden.

Viện nghiên cứu chính sách ASAN của Hàn Quốc nhận định, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hình thành đội ngũ chính sách đối ngoại cho thấy chính quyền mới có thể thay đổi cách tiếp cận so với Tổng thống Donald Trump. Không giống Tổng thống Trump thích các thỏa thuận lớn, ông Biden có khuynh hướng bắt đầu từ những thỏa thuận nhỏ hơn.

Trong cuộc tranh luận với Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử, ông Biden cũng đề cập khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhưng với điều kiện.

“Bán đảo Triều Tiên nên là một khu vực phi hạt nhân. Tôi chấp nhận cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với điều kiện Triều Tiên phải chấp thuận giảm năng lực hạt nhân của mình”, ông Biden nói.

Điều kiện đặt ra được đánh giá là rất khó chấp nhận từ phía Triều Tiên, có thể buộc nước này phải cân nhắc phóng ICBM nhằm phá vỡ thế bế tắc. Viện nghiên cứu Asan đưa ra hai kịch bản. Thứ nhất, Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước để đánh giá động thái của Mỹ, trước khi đưa ra quyết định có phóng ICBM hay không. Một viễn cảnh khác đó là Triều Tiên có thể phóng ICBM ngay từ đầu để “răn đe và khẳng định thế chủ động”. Báo cáo cho rằng, khả năng đầu tiên dễ xảy ra hơn và phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp mà Triều Tiên đang phải giải quyết các khủng hoảng hiện nay.

Hiện cả Triều Tiên và Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chưa có nhiều bình luận đề cập đến mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên với 8 năm làm phó Tổng thống, các chuyên gia dự đoán cách tiếp cận của ông Biden sẽ có nhiều điểm tương đồng như dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama. Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy kiểm soát, răn đe, trừng phạt và cô lập.

Tuy vậy, giới quan sát cũng nhận định, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều thay đổi với những diễn biến khó lường. Thứ nhất, Triều Tiên hiện là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đúng nghĩa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Điều này sẽ khiến các cuộc “mặc cả” trên bàn đàm phán trở nên khó khăn hơn trước, có thể đẩy tình hình diễn biến xấu đi nhanh chóng.

Tuy nhiên điều này cũng mở ra một khả năng tươi sáng hơn. Vũ khí hạt nhân sẽ là một lá chắn mạnh mẽ đến mức Triều Tiên không cần phải thực hiện các hành động “răn đe hay thị uy” như thử tên lửa để “chào đón” tân Tổng thống Mỹ. Đây là bước ngoặt có thể giúp ông Biden mở cánh cửa đối thoại với Triều Tiên dễ dàng hơn.

Giới quan sát nhận định, sẽ là khôn ngoan khi Triều Tiên xem xét hướng đi thay thế này. Nó an toàn và hiệu quả hơn bất cứ biện pháp nào mà Triều Tiên áp dụng kể từ những năm 1980. Tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc nhiều vào các chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden đưa ra. Vì vậy, những tháng đầu năm 2021 sẽ xác định quỹ đạo hành động của Triều Tiên không chỉ trong năm 2021 mà còn có thể cả 4 năm tới trên bán đảo Triều Tiên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại