Thực tế đã chứng minh rằng nêu để các loài tự sinh tự diệt, thì có rất nhiều sinh vật hoang dã có tuổi thọ vượt trội so với con người.
Ở người, 80 tuổi đã được xem là rất thọ rồi. Nhưng rùa biển, chúng có thể vượt ngưỡng 100 năm. Cá voi? 150 năm!
Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng có những sinh vật sống được hơn 500 năm chưa? Tức là hơn một nửa thiên niên kỷ ấy? Vậy mà có thật, đó là những con cá mập tại Greenland.
Cá mập Greenland thuộc họ "cá mập ngủ" (Sleeper shark), là loài săn mồi đáng sợ nhất vùng Bắc Cực nhờ hình thể khổng lồ ngang ngửa cá mập trắng. Chúng ăn các loài cá ở tầng đáy, thậm chí có thể xử lý những con hải cẩu một cách dễ dàng.
Nhưng bí ẩn lớn nhất của cá mập Greenland chính là tuổi thọ quá kinh khủng của chúng. Như con cá trong hình trên, nó được phát hiện vào năm 2017 với tuổi thọ xác nhận khi đó là... 512 năm. Nói cách khác, đó là loài vật có xương sống với tuổi thọ cao nhất Trái đất hiện nay.
Trước kia, các nhà khoa học không có nhiều thông tin về cá mập Greenland, bởi lẽ theo dõi được chúng rất khó. Cho đến năm 2017, họ có được 1 thước phim hiếm hoi nhờ gắn camera lên một số sinh vật khác, để rồi từ đó giải đáp được rất nhiều bí ẩn.
Tuổi thọ cao của chúng đến từ việc chúng là loài có tốc độ sinh trưởng chậm nhất hành tinh. Quá trình trưởng thành của cá mập Greenland lên tới... 150 năm. Bạn không nhìn lầm đâu, và điều này có nghĩa rằng một con cá mập đáng tuổi ông cha của chúng ta thực chất vẫn còn rất non nớt trong quần thể loài cá này.
Loài cá mập sống qua 5 thế kỷ, già nhất thế giới động vật có xương sống
Loài cá mập sống qua 5 thế kỷ, già nhất thế giới động vật có xương sống
Lại nói về con cá trong hình kia. 512 tuổi, tức là thời điểm ra đời của nó là tận đầu thế kỷ 16, và nó còn già hơn cả William Shakespere. Câu hỏi là làm thế nào khoa học xác định được con số này?
Hóa ra câu trả lời nằm ngay trong mắt của chúng. Nồng độ bức xạ carbon trong mắt cá mập có thể tiết lộ độ tuổi, và kết quả cho thấy chúng hiện đang là loài vật sống lâu nhất. Và thậm chí chính nhờ cá mập Greenland mà phương pháp đo độ tuổi bằng bức xạ carbon đang dần được giới khoa học công nhận hơn.
Trước kia, so sánh kích cỡ thân thể qua thời gian được xem là một tiêu chí để xác định độ tuổi của một sinh vật. Nhưng bởi vậy mà các tính toán chỉ dừng ở mức ước lượng, chứ không thể có được con số chính xác.
Hơn nữa, việc theo dõi cá mập Greenland là cực kỳ khó khăn. Như ở thời điểm quay được thước phim, lũ cá mập đang tận hưởng vùng nước lạnh giá vùng Bắc Đại Tây Dương, nhưng đó không phải là môi trường ưa thích của chúng.
Ngoài ra, việc sống lâu cũng không phải điều quá thuận lợi cho cá mập. Trong khi những con cá 150 tuổi hết sức đáng sợ nhờ khả năng săn mồi thượng thừa, thì nhóm "cá cụ" lại rất chậm, khó kiếm thức ăn, cơ thể thì dày đặc ký sinh trùng.
Chúng thậm chí còn phải ăn xác thối để giải tỏa cơn đói.
Ở thời điểm hiện tại, tuổi thọ khủng khiếp của cá mập Greenland vẫn đang khiến cộng đông khoa học hết sức quan tâm. Các chuyên gia đang kỳ vọng vào việc phân tích bộ gene của loài vật này, để từ đó trả lời được câu hỏi: làm sao để con người được trường sinh.
Tham khảo: IFL Science