Bàn cờ Trung Đông thay đổi: Mỹ không còn là nước duy nhất chiếm ưu thế

Kiều Anh |

Nhiều quốc gia ở Trung Đông, ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ đang tìm cách xích lại gần Nga và Trung Quốc để đối phó với nhiều vấn đề khu vực.

Bàn cờ Trung Đông thay đổi

Trong những năm qua, khi nhắc đến các quốc gia trong khu vực Trung Đông, người ta thường mặc định hiểu rằng Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là những đồng minh thân cận của Mỹ trong khi Iran và Syria ở phe chống lại Mỹ và duy trì quan hệ thân thiết với Nga.

Tuy nhiên, bàn cờ Trung Đông đang thay đổi mạnh mẽ, không chỉ biểu hiện ở các lực lượng của từng quốc gia trên thực địa mà còn nằm ở quan điểm của các nước khi nhìn nhận quan hệ "bạn - thù" vốn định hình trong những năm qua.

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thể hiện những dấu hiệu dần xa rời Washington và xích lại gần Moscow. Trong suốt cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 2, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép Không quân Mỹ triển khai lực lượng ở các căn cứ của nước này như một phần trong sự triển khai quân đội của NATO để tiến hành không kích Iraq. Ankara cũng phớt lờ mọi cảnh báo, thậm chí đe dọa trừng phạt từ Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Dù là một thành viên NATO, một đồng minh của Mỹ nhưng Ankara lại tìm thấy tiếng nói chung với Nga trong nhiều vấn đề, trong đó có những diễn biến ở Syria.

Trong khi đó, sau khi Trung Quốc chuyển các tên lửa chống hạm Silkworm cho Iran, Saudi Arabia là một trong những nước Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Gần đây, Saudi Arabia và Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung mang tên “Blue Sword 2019” (Lưỡi gươm Xanh 2019) tại căn cứ Hải quân King Faisal trên Biển Đỏ. Các lực lượng của Trung Quốc cho biết "cuộc tập trận chung này nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ hữu nghị giữa hải quân 2 nước, thúc đẩy khả năng chiến đấu trên biển của các bên tham gia, trao đổi kinh nghiệm và cải thiện mức độ huấn luyện".

Đại tá của Saudi Arabia Abdullah Mohammed al-Omari đã nhắc lại thông điệp này trong một thông báo do Bộ Quốc phòng nước này công bố, đồng thời khẳng định thêm cuộc tập trận diễn ra nhằm "đối phó với các thách thức, duy trì hòa bình và ổn định khu vực".

Đối với Iran, mặc dù hứng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Liên Hợp Quốc và Mỹ nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn xây dựng được kho vũ khí và lực lượng quân đội hùng mạnh. Một báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 19/11 cho thấy Iran sở hữu kho tên lửa lớn nhất khu vực. Iran luôn coi việc phát triển tên lửa là một nhu cầu chiến lược do những hạn chế trong lực lượng không quân của nước này.

Báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định: "Dù thiếu lực lượng không quân hiện đại nhưng Iran sở hữu các tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công tầm xa đủ sức vô hiệu hóa khả năng tấn công của các đối thủ trong khu vực như Mỹ, Israel và Saudi Arabia". Trang Haaretz chuyên phân tích về Trung Đông cho biết có thể Tehran sẽ mua các chiến đấu cơ hiện đại và xe tăng mới vào năm 2020 khi lệnh cấm vận vũ trang của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ.

Mỹ không còn là “người chơi” duy nhất ở Trung Đông

Sự thay đổi trên bàn cờ Trung Đông gần đây cho thấy Mỹ không còn là quốc gia duy nhất chi phối đến bàn cờ Trung Đông hiện nay khi mà các quốc gia trong khu vực đang có những điều chỉnh chiến lược và sự tham gia của các nhân tố bên ngoài như Nga và Trung Quốc .

Trong khi Iran vẫn kiên quyết không "khuất phục" trước các lệnh trừng phạt của Mỹ thì Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang điều chỉnh mối quan hệ của mình với đồng minh lâu năm này. Cả hai nước đều đang đánh giá cao mối quan hệ với Nga, như một Kế hoạch B dự phòng giữa bối cảnh Mỹ đang đánh mất lòng tin của các đồng minh.

Việc Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Syria - một hành động bị coi là phản bội người Kurd - đồng minh sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS khiến các đồng minh khác của Washington trong khu vực ít nhiều thận trọng hơn vì có thể một ngày nào đó, họ cũng chịu kết cục tương tự.

Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ với Saudi Arabia khi Riyadh là khách hàng mua nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung từ Bắc Kinh như Dongfeng DF-3A và DF-21. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Iran hết hạn vào năm tới thì Trung Quốc có thể sẽ bước vào thị trường của nước Cộng hòa Hồi giáo này - quốc gia mà Lầu Năm Góc cho là sở hữu "kho vũ khí lớn nhất và đa dạng nhất Trung Đông".

Một báo cáo mới từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Iran cũng cho biết: "Iran sẽ được phép mua các hệ thống theo quy ước mà nước này không thể sản xuất nội địa như các chiến đấu cơ tiên tiến và các xe tăng. Iran đang đánh giá và thảo luận để mua vũ khí chủ yếu từ Nga và ở một mức độ ít hơn là từ Trung Quốc".

Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Iran giữa lúc nền kinh tế nước này vẫn đang xoay xở với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Ngoài ra, với việc căng thẳng leo thang ở Eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, Iran ngày càng tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga trên lĩnh vực quân sự.

UAE và Saudi Arabia gần đây cũng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Nga hối thúc 22 nước thành viên của Liên đoàn Arab công nhận Syria. Thậm chí, Bahrain - một thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh còn tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Damascus. Học giả về Trung Đông Mark Katz nhận định với Thời báo South Asia rằng Nga hiện là một đồng minh đáng tin trong khu vực còn Mỹ thì không. Nhà phân tích này cũng cho rằng nhiều nước trong khu vực không "mặn mà" gì hợp tác với Tổng thống Syria Assad nhưng họ vẫn xích lại gần Syria vì "tôn trọng Tổng thống Putin".

Trong khi đó, Liên đoàn Arab - ngoại trừ Qatar đều chỉ trích cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria và kêu gọi Ankara rút quân.

Như vậy, những diễn biến mới ở Trung Đông đang cho thấy một thực tế rằng Mỹ sẽ chỉ trở thành một trong những nhân tố quốc tế trong khu vực , cùng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và EU thay vì là “người chơi duy nhất” chiếm ưu thế ở Trung Đông như trước đây./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại