Trong cuộc đời đi làm tôi thường gặp 3 loại người này: Người làm vì tiền để mưu sinh, người làm vì đam mê để thỏa mãn khám phá, tìm tòi và cuối cùng người làm vì cả 2 thứ đó. Phần lớn trong chúng ta đều muốn làm công việc mình yêu thích mà vẫn có được nhiều tiền từ công việc đó. Nhưng trớ trêu thay rất hiếm người đạt được cả 2 thứ ấy.
Có người làm việc kiếm được nhiều tiền nhưng sau cùng thì họ cũng nhận ra một điều rằng họ đang làm một công việc buồn chán và tẻ nhạt.
Ngoài tiền, nó chẳng mang lại cho họ niềm vui thật sự. Họ cảm thấy mình đang đi sai đường, phí 1/3 thời gian cuộc đời cho thứ chán ghét. Đây chính là con người tôi sau khi tốt nghiệp đại học và mất khoảng gần 5 năm cho công việc đó.
Tôi được gì từ nó? Thứ nhất là tôi có kinh nghiệm về nó, thứ hai là tôi có để dành chút ít tiền. Trong mắt người khác tôi là người khá thành công. Nhưng trong mắt tôi thì tôi là KẺ THẤT BẠI.
Loại người thứ hai tôi từng biết là người theo đuổi đam mê nhưng lại phải nhận mức lương thấp, thậm chí rất thấp.
Ông bà mình có câu: "Có thực mới vực được đạo". Thật khó để chúng ta theo đuổi đam mê với cái bụng đói. Đây thật sự là hình ảnh của người bạn thân tên T học cùng trường và ở cùng kí túc xá ĐH Bách Khoa năm nào của tôi.
Tôi không biết tôi như thế nào trong mắt T nhưng trong mắt tôi thì tôi lại ngưỡng mộ bạn mình khi ấy rất nhiều. Sau nhiều năm tôi nhận ra một điều rằng cả tôi và T chẳng ai có được niềm vui trọn vẹn. Người có cái này thì không có cái kia và ngược lại. Nó thôi thúc tôi đi tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:
Thứ nhất: Chúng ta có thể làm được công việc mình yêu thích và được một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình?
Thứ hai: Nếu câu trả lời là "Có" thì chúng ta đạt được nó bằng cách nào?
Sau nhiều năm bôn ba kiếm sống kinh qua nhiều công việc từ lao công chùi toilet, đến bồi bàn, thợ làm bánh, dạy học bán thời gian rồi đến công việc trí óc như kĩ sư viễn thông, kĩ sư phần mềm tôi rút ra được một số bài học như sau.
Tôi không dám chắc nó sẽ áp dụng tốt và cho kết quả đúng đắn cho từng người nhưng tôi cam đoan nếu áp dụng nó thì cơ hội bạn thành công rất cao.
Bài học 1: Hãy chọn cho mình một con đường
Có thể bạn đã học đúng ngành mình yêu thích hay trái ngành điều đó không còn quan trọng nữa. Điều bạn cần làm ngay lúc này là ngồi xuống cầm bút lên và vẻ ra cho mình một HƯỚNG ĐI ĐÚNG ĐẮN.
Đây sẽ là lộ trình mà bạn phải dấn thân trong quãng đời còn lại. Trái tim bạn mách bảo bạn điều gì? Bạn muốn trở thành con người như thế nào? Bạn thích thứ gì nhất? Bạn giỏi thứ gì nhất?
Hãy viết tất cả những thứ đó ra giấy và bắt đầu thử từng thứ một. Hãy kiên nhẫn với bản thân trong quá trình tìm ra cho mình con đường đúng đắn.
Chậm mà chắc trong bước này nó giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian về sau. Vì nếu không bạn sẽ loai hoay với một trong 2 hình ảnh của tôi hoặc bạn tôi khi mới ra trường như tôi kể ở trên. Tôi đã mất 5 năm rồi đấy!
Bài học 2: Hãy dấn thân và can đảm
Trong bất kỳ công việc nào dù tôi thích hay không thích, tôi đều làm rất năng nổ với một thái độ nhiệt tình, vui vẻ và hay giúp đỡ đồng nghiệp. Lý do rất đơn giản vì tôi nghĩ rằng chủ trả lương thì mình phải mang lại cho họ một giá trị lớn hơn. Nhờ có thái độ này mà tôi luôn gặp thuận lợi trong công việc.
Một sai lầm thường thấy cho nhiều bạn đi làm muốn được tăng lương trước rồi mới cống hiến sau. Nhưng phần lớn chủ thì nghĩ ngược lại. Bạn phải cống hiến trước và cống hiến thật nhiều thì mới được tăng lương. Hãy nhớ kĩ điều này nhé nếu muốn được tăng lương.
Điều thứ hai là bạn phải bản lĩnh và can đảm. Bạn phải can đảm để tìm cơ hội mới nếu thấy công việc không phù hợp hoặc mức lương không đủ sống dù mình đã CỐNG HIẾN hết mình trong một quãng thời gian khá dài. Bạn phải thành thật với chính mình rằng mình đã tận tâm với công việc và dành nhiều thời gian cho nó nhưng nếu bạn không được đánh giá đúng mức và đúng khả năng thì hãy chọn cho mình một bến đỗ mới.
Tôi tin chắc rằng ông trời không phụ lòng người đặc biệt là những con người CAN ĐẢM và dám DẤN THÂN khi đã chọn cho mình một HƯỚNG ĐI ĐÚNG ĐẮN.