Bạn có nhớ ngày này tuần trước đang ăn món gì không? Nhiều khả năng là bạn không thể nhớ rồi, nhưng con mực nang thì có thể đấy. Mực nang là động vật đầu tiên được các nhà khoa học phát hiện không có dấu hiệu suy giảm chức năng trí nhớ theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện mực nang có thể nhớ chuyện gì, ở đâu và khi nào các sự kiện cụ thể đã xảy ra — cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời chúng. Kết quả được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, là bằng chứng đầu tiên về một loài động vật có trí nhớ về các sự kiện cụ thể không suy giảm theo tuổi tác.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, Phòng thí nghiệm Sinh học Biển (MBL), và Đại học Caen, Pháp, đã tiến hành kiểm tra trí nhớ với 24 con mực nang thông thường (sepia officinalis). Một nửa trong số chúng từ 10-12 tháng tuổi - chưa đến độ tuổi trưởng thành, và nửa còn lại từ 22-24 tháng tuổi - tương đương với con người ở độ tuổi 90.
"Mực nang có thể nhớ những gì chúng đã ăn, ở đâu và khi nào, và sử dụng điều này để tạo quyết định ăn của chúng trong tương lai. Điều đáng ngạc nhiên là chúng không mất khả năng này theo tuổi tác, mặc dù có những dấu hiệu lão hóa khác như mất chức năng cơ và sự thèm ăn”, theo tác giả Alexandra Schnell thuộc Khoa Tâm lý của Đại học Cambridge, người đã tiến hành các thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển, kết hợp với Nhà khoa học cấp cao Roger Hanlon của MBL.
Khi con người già đi, họ dần mất khả năng ghi nhớ những trải nghiệm đã xảy ra tại những thời điểm và địa điểm cụ thể — ví dụ, chúng ta đã ăn gì vào thứ Ba tuần trước. Đây được gọi là trí nhớ theo từng giai đoạn (episodic memory), và sự suy giảm của nó được cho là do sự suy thoái của một phần não được gọi là hồi hải mã.
Mực nang không có hồi hải mã, và cấu trúc não của chúng rất khác với chúng ta. Thùy dọc của não mực nang có liên quan đến học hỏi và trí nhớ. Nó sẽ không bị suy thoái ngay cả đến hai ba ngày cuối cùng trong cuộc đời của con vật, mà các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể giải thích tại sao trí nhớ mực nang không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.
Alex Schnell với một bể mực nang tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển
Để tiến hành thí nghiệm, những con mực nang đầu tiên được huấn luyện để tiếp cận một vị trí cụ thể trong bể của chúng được đánh dấu bằng cờ đen trắng. Sau đó, chúng được huấn luyện để biết rằng hai loại thức ăn chúng thường ăn - tôm cỏ, loại mà chúng thích và thịt tôm sú - có sẵn tại các địa điểm được đánh dấu bằng cờ cụ thể. Việc đào tạo này được lặp lại hàng ngày trong bốn tuần.
Sau đó, mực nang nhớ loại thức ăn nào sẽ có sẵn, ở đâu và khi nào. Để đảm bảo chúng không chỉ học một kiểu mẫu, hai địa điểm cho ăn được thay đổi khác nhau mỗi ngày. Tất cả các con mực nang - bất kể độ tuổi - đều theo dõi thức ăn nào xuất hiện đầu tiên ở mỗi lá cờ và sử dụng thức ăn đó để xác định vị trí cho ăn nào là tốt nhất trong mỗi bữa ăn tiếp theo.
Thử nghiệm trí nhớ của mực nang
"Những con mực nang già cũng nhớ tốt như những con nhỏ hơn - trên thực tế, nhiều con lớn hơn đã làm tốt hơn trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng tôi nghĩ rằng khả năng này có thể giúp mực nang trong tự nhiên nhớ được chúng đã giao phối với con nào, để tránh giao phối trùng”, Schnell nói.
Mực nang chỉ sinh sản vào cuối cuộc đời của chúng. Bằng cách ghi nhớ chúng đã giao phối với con nào, ở đâu và cách đây bao lâu, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này giúp loài mực nang phát tán rộng rãi gen của chúng bằng cách giao phối với càng nhiều bạn tình càng tốt.
Tham khảo: ScienceAlert