Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ 3. Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo - chủ trì phiên họp.
Ngoài đánh giá các kết quả thực hiện từ sau phiên họp thứ 2 (tháng 1/2023) đến nay, phiên họp này thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo tại các phiên họp trước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp (Ảnh: SGGP).
Kết luận buổi họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là việc cụ thể hóa, triển khai Kết luận số 550 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI về tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý I/2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2.
Bí thư Thành ủy TPHCM giao các thành viên Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp 23, kết luận về công tác giám định, định giá tài sản.
Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu tập trung theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc, việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch năm 2023. Trong đó chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát phải đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực cải cách hành chính, đầu tư công...
Tại phiên họp lần này, Ban chỉ đạo đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương xây dựng, sớm hoàn thành Đề án “Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sai phạm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP. Thủ Đức và Công ty Nam Phong vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Từ tháng 2/2021 đến tháng 9/2021, Bệnh viện TP. Thủ Đức đã mua kit test của Công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và dịch vụ Nam Phong với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng theo một gói thầu với hình thức chào hàng cạnh tranh và 37 gói thầu với hình thức mua sắm chỉ định thầu rút gọn.
Việc làm này là theo chỉ định của Công ty Việt Á với mục đích nâng giá trước khi bán vào Bệnh viện TP. Thủ Đức. Trong vụ việc này, Công ty Nam Phong được chiết khấu từ 30-40% (tương đương gần 11 tỷ đồng).