Bán "cả cặp" S-400 lẫn Su-35: Vì sao Nga "trúng" lớn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại "rơi xuống vực sâu"?

Quốc Vinh |

Thương vụ S-400 và Su-35 là một lợi ích đáng hoan nghênh cho nền kinh tế trì trệ của Nga. Tuy nhiên, với Thổ Nhĩ Kỳ, có thêm vũ khí lại càng khiến nước này rơi xuống vực sâu.

Bước ngoặt phi thường từ S-400 đến Su-35

Ca ngợi đợt chuyển hàng hệ thống phòng không S-400 đầu tiên đến Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả thương vụ với Nga là thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử.

Nó quan trọng ở chỗ, đây là một hợp đồng mua bán vũ khí giữa một thành viên NATO với chính đối thủ lâu đời của mình. Thương vụ S-400 cũng đến sau bước ngoặt kịch tính ba năm trước, khi mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trở nên u tối sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria, theo Financial Times.

Sự thay đổi này được giải thích một phần bởi mối quan hệ cá nhân ngày càng khăng khít giữa tổng thống của hai quốc gia. Trong khi ở phía ngược lại, hợp đồng mua hệ thống phòng không Nga hiện đang đe dọa sẽ đưa mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

"Đó là một bước ngoặt phi thường và đáng ngạc nhiên", Sinan Ulgen, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh. "Người chiến thắng lớn nhất không phải là Thổ Nhĩ Kỳ, không phải Washington, đó là Nga".

Nga từ lâu đã được coi là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Ottoman từng phải chịu một loạt thất bại đau đớn dưới tay Nga trong lịch sử. Ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là sườn phía Đông của NATO chống lại Moscow.

Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tìm được những điểm chung để nuôi dưỡng tình bạn của họ. Cụ thể trong đó là cả hai đều mất lòng tin đối với phương Tây.

Kể từ tháng 6/2016, hai người đã gặp nhau ít nhất 23 lần và tổ chức 52 cuộc thảo luận qua điện thoại, theo Điện Kremlin - tương đương với việc cứ hai tuần họ nói chuyện với nhau một lần.

Với việc ông Putin tích cực thúc đẩy thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được đơn hàng S-400 nhanh hơn nhiều so với Trung Quốc, quốc gia nước ngoài đầu tiên mua hệ thống này và Ấn Độ - đơn hàng đến hạn vào năm 2023.

Konstantin Makienko, phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, cho biết thỏa thuận S-400 là một cuộc cách mạng trong thị trường vũ khí. Viết trên nhật báo Nezavisimaya Gazeta, ông nhấn mạnh: "Đây là dấu hiệu của một sự thay đổi kiến ​​tạo có thể thay đổi sự sắp xếp địa chính trị toàn cầu".

Các quan chức Nga đã đề xuất một giải pháp thay thế cho Ankara sau khi Lầu Năm Góc đình chỉ nước này khỏi chương trình F-35. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua máy bay Sukhoi Su-35 của Moscow - một máy bay phản lực tiên tiến hơn nhiều so với máy bay chiến đấu Su-24 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ của Nga ba năm trước.

Thảm họa Su-35

Bán cả cặp S-400 lẫn Su-35: Vì sao Nga trúng lớn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi xuống vực sâu? - Ảnh 2.

Máy bay Nga chỉ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Như cốt truyện đã được dự đoán trước. Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không của Nga. Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35. Sau đó, Nga cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ như một giải pháp thay thế.

F-35 là máy bay thế hệ thứ năm, giống như F-22 và mẫu Su-57 của Nga. Trong khi Su-35 là phiên bản dựa trên Su-27 Flanker từ thời Chiến tranh Lạnh, được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 như F/A-18 Super Hornet của Mỹ, Eurofighter Typhoon và Rafale của Pháp.

Su-35 nhanh nhẹn hơn F-35, nhưng thiếu khả năng tàng hình, cảm biến và khả năng kết nối dữ liệu.

Mẫu máy bay này được không quân Nga triển khai lần đầu tiên vào năm 2015, trong đó đã có 105 chiếc Su-35 được chế tạo, bao gồm 81 chiếc cho Nga và 24 chiếc xuất khẩu sang Trung Quốc (Indonesia đang muốn mua 11 chiếc).

Một thương vụ mới mang tên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ là một lợi ích đáng hoan nghênh cho nền kinh tế trì trệ của Nga, mà là một chiến thắng ngoại giao khi một quốc gia NATO không chỉ mua hệ thống phòng không mà mua cả chiến đấu cơ của Moscow.

Tuy nhiên, việc triển khai máy bay chiến đấu của Nga trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - vốn sử dụng các tiêm kích phương Tây như F-16 - có thể gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi về việc tích hợp công nghệ, chưa kể các cuộc tập trận chung với các thành viên NATO khác (Slovakia, một quốc gia NATO, đang lên kế hoạch thay thế MiG-29).

Nhà phân tích hàng không Mỹ Richard Aboulafia cho rằng việc mua Su-35 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một kịch bản thảm họa về nhiều cấp độ.

Máy bay chiến đấu của Nga không thể được tích hợp vào mạng lưới phòng không của NATO và nó sẽ không thể chia sẻ dữ liệu với phần còn lại của hạm đội máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đi theo con đường này chắc chắn sẽ mang đến những rạn nứt sâu hơn và có lẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi NATO.

Mua máy bay chiến đấu Nga có thể đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm giải pháp thay thế cho F-16. Nhưng nó sẽ làm tổn hại đến tương lai lâu dài của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại