Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết "Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim"

PGS.TS Nguyễn Phương Mai |

"Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim" là cuốn sách tiêu biểu cho các lý thuyết nguỵ khoa học về sự ưu việt của đàn ông và đàn bà trong tương quan não trái và não phải.

Đa số chúng ta sinh ra vốn không có nhiều sự khác biệt về năng lực, nhất là những kỹ năng không liên quan đến thể lực. Vậy tại sao các con số lại chỉ ra sự thụt lùi hay tiến bộ vượt bậc của chủng tộc này với chủng tộc khác, của các thế hệ, của những cộng đồng với tôn giáo hoặc nghề nghiệp khác nhau, và nhất là giữa giới tính nam nữ? 

Trong vô số câu trả lời, một nguyên nhân lớn nhất tạo ra sự khác biệt của năng lực giữa người với người là sự biến đổi không ngừng của bộ não và bộ gen với môi trường xung quanh.

Bộ não nilon

Chỉ chừng 20 năm trước, khoa học còn cho rằng chúng ta sinh ra là đã bị cầm tù bởi một số phận sinh học. Cả bộ não và bộ gen chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đều đã an bài. Ai thông minh cũng đã thông minh, ai bị mắc bệnh di truyền cũng không còn đường thoát.

Một thời gian dài, khoa học thậm chí u mê đi tìm sự lý giải về "bản chất" ưu việt của người da trắng, của vua chúa và giới cầm quyền, của đàn ông.v.v bằng việc so sánh các biểu hiện của gen ra ngoại hình và cân nặng của bộ óc.

Vào thời kỳ đầu của kỹ thuật chụp não, khoa học phát hiện ra tần số phóng điện giữa bộ óc của nam giới và nữ giới khá khác nhau. Và thế là một loạt công trình nguỵ khoa học ra đời và vẫn còn phổ cập đến ngày hôm nay.

Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vì bộ óc được cho là cố định, trời sinh ra thế, nên sự khác biệt giữa não đàn ông và đàn bà, thậm chí giữa các màu da, được cho là định mệnh và đóng vai trò lý giải cho sự giỏi giang hay ngu dốt của từng nhóm người. Ví dụ, đàn bà giỏi giao tiếp và dốt kỹ thuât, đàn ông giỏi kỹ thuật và dốt giao tiếp.

Cuốn sách tiêu biểu của thời kỳ này là "Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim" và hàng loạt các lý thuyết nguỵ khoa học về sự ưu việt của đàn ông và đàn bà trong tương quan não trái và não phải.

Tuy nhiên, cách hiểu đơn giản và ngây thơ về bộ óc như vậy đang dần dần biến mất. 

Bộ não thật ra không khác gì môt cơ bắp trên cơ thể con người. Nếu chăm chỉ luyện tập, nó sẽ phình to ra, nếu lười biếng, nó sẽ teo đi. Bộ óc cũng như tấm gương phản chiếu cuộc sống xã hội.

Người nào thường xuyên phải lái xe và nhớ hàng trăm tên phố thì bộ não sẽ lớn lên ở vùng đồi hải mã. Người nào thường xuyên phải giao tiếp và để mắt đến nhiều việc một lúc, hai bán cầu não sẽ bắn tia điện kín đặc hơn.

Và điều này xảy ra với bất kỳ ai, nam hay nữ. Nếu ta đem bộ não của họ vào máy scan và nhìn thấy sự khác biệt, đó không phải do họ là đàn ông hay đàn bà, mà là do xã hội nơi họ sinh sống đã khiến não trạng của những con người này thay đổi.

Lịch sử khoa học ghi nhận một số trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân sinh ra chỉ có một nửa bộ não, hoặc bị bệnh phải nạo bỏ một nửa bộ não nhưng vẫn sống bình thường. Bộ não nilon (brain plasticity) đã giúp họ điều chỉnh các chức năng, dù chỉ có nửa số neuron nhưng lại có tần số hoạt động gấp hai.

Thậm chí với những người bị mất thị lực, vùng vỏ não vốn dùng để tiếp nhận các thông tin cho thị giác sẽ dần dần thay đổi chức năng, trở thành vùng não tiếp nhận các thông tin về thính giác. Đó là lý do khiến những người mù và khiếm thị có đôi tai siêu phàm. Họ không sinh ra như vậy, họ trở nên như vậy.

Giới tính của bộ óc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đàn ông trở nên giỏi giang về máy móc, kỹ thuật, công nghệ, vì họ thường xuyên bị xã hội trông đợi phải trở thành những chàng thợ không chuyên trong gia đình và tại công sở.

Đàn bà trở nên giỏi giang về nội trợ, đàm phán, quản lý nhân lực và đọc xúc cảm vì họ thường xuyên bị xã hội trông đợi phải trở thành những nhà tâm lý không chuyên trong cuộc sống. Thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não.

Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bộ gen nhấp nháy

Khi các nhà khoa học hoàn tất bản đồ DNA, thành công này không dẫn đến một cuộc cách mạng kiến thức như nhiều người mong đợi. Tạo sao? Vì tuy bộ gen ta thừa hưởng từ cha mẹ không thay đổi, nhưng các gen ta có không tự dưng kích hoạt. Phía trên của bộ gen là hàng loạt các protein đóng vai trò như những chiếc công tắc.

Bạn thừa hưởng gen thông minh nhưng chưa chắc bạn sẽ trở nên thông minh. Các protein phía trên của gen thông minh sẽ bật, tắt, vặn sáng hoặc làm mờ các hoạt động của gen này. Bạn xui xẻo sinh ra đã có gen bị bệnh ung thư, nhưng gen ung thư sẽ nghe theo lệnh của protein chứ không tự dưng tác oai tác quái biểu hiện ra thành bệnh.

Ngành nghiên cứu này có tên là epigenetics, với chữ "epi" có nghĩa là bên trên. Những protein bên trên của gen mới là những ông bà chủ thực sự của nguồn gen.

Vậy đám protein ấy hoạt động theo phương pháp gì? Câu trả lời nằm trong các hoạt động hàng ngày của chính chúng ta:

Nếu cuộc sống vật chất của ta đầy đủ, nếu ta luyện tập thường xuyên, nếu ta ăn uống đúng cách, nếu ta được học hành, nếu ta được rèn rũa những thói quen có ích như tranh luận khoa học, bồi bổ cuộc sống tinh thần thường xuyên với những thách thức mới...vv.

Khoa học chỉ ra rằng thay đổi cách sống có thể chống lại 95% những căn bệnh do gen. Chỉ 3 tháng luyện tập có thể làm thay đổi 500 gen xấu. Các thói quen hàng ngày có thể tắt bật, làm mờ hay kích hoạt 75% gen quy định các đặc tính như khả năng âm nhạc, kỹ thuật, giao tiếp, kinh doanh, hay lãnh đạo..

Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tôi từng biết một gia đình Nho giáo cổ hủ kiên quyết không cho con gái bứt ra làm kinh doanh vì cho rằng bản chất của phụ nữ nên ở nhà chăm sóc gia đình. Trong tiếng Hán, chữ An được tạo thành bởi chữ Nữ ở duới bộ Mái Nhà.

Trong thực tế, một trong những gen quan trọng nhất quy định khả năng lãnh đạo và kinh doanh có tên là DRD4-7R. Gen này được hình thành khi con người rời khỏi châu Phi di cư đến vùng đất mới.

Càng về xa châu Phi trên lộ trình di cư, gen này càng dày đặc vì nó giúp loài người bất chấp hiểm nguy dấn thân vào địa hạt vô danh. Chính vì thế, sự khác biệt về gen kinh doanh và lãnh đạo không phải là khác biệt giữa nam và nữ, mà là giữa các cộng đồng khác nhau trên bản đồ thế giới.

Vậy dân tộc nào giỏi kinh doanh và làm lãnh đạo nhất? Nếu cứ theo gen mà phán thì đương nhiên là dân châu Mỹ rồi, vì đây là mảnh đất nằm cuối lộ trình di cư của loài người. Tuy nhiên, vì ta có bộ gen nhấp nháy, nên việc sở hữu sự dồi dào của DRD4-7R không có nghĩa là dân da đỏ ở châu Mỹ ai cũng thành đạt và giàu có.

Trong thực tế, môi trường lịch sử và xã hội lại khiến những gen này không phát huy tác dụng. Người bản địa châu Mỹ bị đô hộ và trở thành thiểu số trên mảnh đất của chính mình.

Thế nguồn gen kinh doanh và lãnh đạo có mất đi không? Câu trả lời là không. Người bản địa châu Mỹ vẫn sở hữu nguồn gen này. Oái oăm là, nó được kích hoạt trở thành một hành vi có hại: đánh bạc.

`

PGS.TS Nguyễn Phương Mai

Gen cũng như con dao hai lưỡi vậy. DRD4-7R khiến ta liều lĩnh hơn. Trong một môi trường có lợi, sự liều lĩnh dám nghĩ dám làm giúp ta thành nhà kinh doanh. Trong một môi trường không thuận lợi, sự liều lĩnh ấy đưa ta vào sòng bạc, trở thành bác thằng Bần.

Như vậy, bộ gen có thể ví như một bộ đèn nhấp nháy, và các protein như chiếc công tắc đa năng mà ta có thể nắm trong tay. Những chiếc đèn không thể đổi thay, nhưng nó sáng lên hay tối đi là do ta quyết định.

Sự kết hợp giữa bộ não nilon và bộ gen nhấp nháy khiến mỗi con người chúng ra trở thành một thực thể cực kỳ năng động, đa dạng, tiềm ẩn một sức công phá lớn lao, bất chấp hình hài sinh học ta thừa hưởng.

Cũng giống như khái niệm chủng tộc, khái niệm giới ngày càng trở nên linh hoạt, biến đổi, thậm chí biến mất khỏi các khung quy chiếu của nghiên cứu khoa học. Thật vô lý khi bị kìm hãm trong một cái nhãn đơn giản như đàn ông, đàn bà, hay da trắng, da vàng.

Mỗi chúng ta là một cá thể vô cùng phức tạp với khả năng chuyển hoá vô cùng. Hiểu được sức mạnh này cũng chính là nắm trong tay chiếc chìa khoá của số phận.

Vấn đề còn lại là bạn có đủ kỷ luật, bền gan, và ý chí để mở ra những cánh cửa mới mẻ của cuộc đời?

* Bài viết của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Khoa hoc Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại