Bài văn thời đi học của Nam Em có lẽ sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình: Sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho con hơn

Thanh Hương |

Đây là ký ức rất buổi thời đi học của Nam Em.

Nam Em hiện là cái tên gây tranh cãi bậc nhất. Cô khiến người ta vừa ghét vừa thương. Ghét vì những lùm xùm về chuyện tình cảm, livestream bóc phốt. Thương vì những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ có liên quan đến gia đình của người đẹp 9x. Những câu chuyện về gia đình của cô khiến nhiều người phải suy ngẫm, đặc biệt là những người đã làm cha, làm mẹ.

Bài Văn điểm kém vì... không biết miêu tả mẹ

Với nhiều em học sinh, những bài văn miêu tả người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ có lẽ là dễ nhất. Bởi đó là những người thân yêu, quen thuộc nhất của chúng ta, và thật dễ để viết ra những điều về họ. Nhưng với Nam Em thì lại khác!

Năm Nam Em 3 tuổi, bố mẹ cô ly hôn do không chịu được cảnh sống vất vả. Bố mẹ ly hôn, anh trai và Nam Anh - chị gái song sinh của Nam Em ở với mẹ còn Nam Em sống với bố ở nhà nội. Sau khi bố mất, Nam Em được gia đình cô nhận nuôi và ngày ngày phụ giúp cô nuôi heo, cơm nước,...

Bài văn thời đi học của Nam Em có lẽ sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình: Sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho con hơn- Ảnh 1.

Nam Em có tuổi thơ không may mắn

Có thời gian, mỗi ngày, Nam Em đều ra cửa ngóng mẹ. Cứ mỗi lần có xe chạy qua, cô vui mừng vì tưởng mẹ về nhưng sau đó hụt hẫng vì không phải. Cũng chính vì thiếu vắng tình thương của mẹ nên mỗi lần làm Văn mà gặp phải đề bài miêu tả mẹ, người đẹp sinh năm 1996 đều bị điểm kém. Bởi trong ký ức của cô không hề có mẹ.

Vài năm trước, khi xuất hiện trong chương trình "Đối mặt cảm xúc", chị em Nam Anh - Nam Em khiến nhiều người bất ngờ vì không gọi mẹ ruột là "mẹ" mà lại gọi là "bà Tám". Cả hai chị em cũng thừa nhận không thể gần gũi được với mẹ. Sau rất nhiều lời chia sẻ và thêm vào sự động viên của MC Quyền Linh, Nam Em đã nhắn nhủ đến mẹ: "Bà Tám ơi, con xin lỗi bà Tám vì cả cuộc đời sinh ra con nhưng con chỉ gọi bà là bà Tám. Không phải con không có tình cảm với bà Tám mà chúng ta có khoảng cách quá, từ nay con sẽ học cách gọi bà Tám là mẹ".

Tiếp sau đó, Nam Anh nghẹn ngào mãi mới nói nên lời: "Chúng ta hãy cố trân trọng những khoảng thời gian còn lại, vì cuộc sống của mỗi con người mong manh lắm. Quá khứ qua rồi hãy cho qua đi, chúng ta hãy xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Mẹ nhé!".

Khi trẻ thiếu thốn tình thương...

Câu chuyện tuổi thơ của Nam Em đã khiến rất nhiều người giật mình, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ giống như Nam Anh và Nam Em. Nguyên nhân thì rất nhiều: Có những bậc cha mẹ sau khi ly hôn, vì bận với gia đình mới mà không dành được nhiều thời gian cho con; lại có những bậc cha mẹ vì quá bận rộn công việc, chỉ mải mê xông pha ngoài xã hội mà quên đi đứa con bé bỏng ở nhà. Lại có những cha mẹ tuy không ly hôn, cũng chẳng bận việc nhưng lại vì quá vô tâm mà không dành nhiều thời gian bên con, không có sự lắng nghe, không đồng hành cùng con trên con đường trưởng thành.

Kết quả là những đứa trẻ phải tự lớn lên trong sự tủi thân, mặc cảm và nhiều vấn đề về tâm lý. Chẳng hạn, nhiều đứa trẻ luôn cảm thấy thiếu an toàn, tự ti, suy giảm lòng tự trọng, nhạy cảm quá mức, thường dễ bị tổn thương vì cho rằng cha mẹ không yêu thương, không quan tâm đến mình.

Hay có những đứa trẻ không học được cách chịu trách nhiệm, vì không có cha mẹ làm gương. Khi có chuyện xảy ra, trẻ thường có xu hướng trốn tránh, không có dũng khí nhận lỗi, dẫn dến việc không được lòng người xung quanh và khả năng cao bị cô lập.

Thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ cũng khiến trẻ sau này khó xử lý, xây dựng được các mối quan hệ cá nhân. Trong quá trình giao tiếp, trẻ rất sợ mình sẽ nói sai hoặc làm sai khiến người khác khó chịu. Trẻ rụt rè và quan tâm quá nhiều đến đánh giá của người khác về bản thân mình. Những đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ cũng thường gặp trở ngại trong giao tiếp với người khác giới. Chúng không tin đối phương thực sự yêu thương mình, thường hay sống trong nghi ngờ. Chúng khao khát tình yêu nhưng hơi phản kháng, do dự vì mặc cảm, sợ mất mát và tổn thương.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con và là người mà con gần gũi, tin cậy nhất. Nếu con không nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, tâm lý của con chắc chắn sẽ bị tổn hại, đồng thời cũng sẽ có những khiếm khuyết nhất định trong việc hình thành nhân cách, cá tính. Vì vậy, để con phát triển tinh thần lành mạnh, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn và quan tâm đầy đủ đến con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại