Theo đánh giá của giới chức Mỹ, kể từ hội nghị thượng đỉnh thứ nhất tháng 9/2022, hai bên đã thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Tiêu biểu có thể kể đến kế hoạch thăm Papua New Guinea hồi tháng 5 vừa qua, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm Mỹ đến khu vực nhưng rất tiếc đã bị hủy vào phút chót do các vấn đề nội bộ.
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái bình dương năm 2022. Ảnh: AFP
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã mở lại Đại sứ quán ở quần đảo Solomon, mở Đại sứ quán mới tại Tonga, mở rộng các chương trình hợp tác về quân sự, giáo dục, hỗ trợ phát triển. Về các thỏa thuận, Chính quyền Biden đã tái đàm phán và mở rộng Hiệp định liên kết tự do với Cộng hòa Palau, Liên bang Micronesia và một quốc gia khác. Điểm nhấn quan trọng nhất là Mỹ đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Papua New Guinea.
Với các kết quả đã đạt được, trong hội nghị năm nay, hai bên đã ra tuyên bố tái khẳng định quan hệ đối tác Mỹ-Thái Bình Dương, trong đó Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các ưu tiên chung của khu vực và tăng cường hợp tác thực hiện các ưu tiên này, tập trung vào giải quyết khủng hoảng khí hậu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển bền vững; tăng cường an ninh y tế; chống đánh bắt trái phép và đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Cụ thể, về mặt đối ngoại, ngay trước thềm thượng đỉnh, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ mở Đại sứ quán mới tại quần đảo Cook và Niue. Động thái này được đánh giá là sự thể hiện cam kết của Mỹ, đối xử bình đẳng với các nước theo cách tiếp cận lắng nghe các lãnh đạo khu vực về cách thức có thể hợp tác. Về tài chính, Tổng thống Biden đã công bố một loạt hoạt động mới, bao gồm kế hoạch làm việc với Quốc hội để yêu cầu và cung cấp gần 200 triệu USD tài trợ trong thời gian tới.
Trong hội nghị năm 2022, Mỹ đã công bố khoản hỗ trợ hơn 800 triệu USD cho các quốc đảo, tuy nhiên khoản tiền này vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Theo truyền thông Mỹ, giới chức nước này đang nỗ lực tìm kiếm các khoản ngân sách bổ sung dành cho khu vực mà không cần phải trình lên Quốc hội.
Sự vắng mặt của lãnh đạo quần đảo Solomon
Trước việc Thủ tướng Solomon từ chối ở lại tham dự thượng đỉnh sau khi dự kỳ họp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố rất lấy làm tiếc về quyết định này. Việc Thủ tướng Solomon không tham dự thượng đỉnh cho thấy mặc dù hợp tác giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương đã đạt được một số kết quả tích cực nhất định nhưng giữa hai bên vẫn còn nghi ngại và nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên tập trung vào tính bền vững chính sách của Mỹ, vai trò của thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia đối với khu vực, hệ quả của các vụ thử hạt nhân của Mỹ và đối phó biến đổi khí hậu. Với các động thái mở rộng hợp tác song phương, tiểu đa phương của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều quốc gia đã và đang bày tỏ sự lo ngại về xu hướng quân sự hóa cũng như không tham vấn ý kiến của các nước nhỏ trong việc quyết định các vấn đề khu vực.
Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Solomon vắng mặt cũng cho thấy cạnh tranh nước lớn tại các quốc đảo Thái Bình Dương ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn. Theo giới phân tích, việc Mỹ tổ chức thượng đỉnh lần thứ hai không ngoài mục đích cạnh tranh và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Trong khi đó, không chỉ không tham dự thượng đỉnh, ngay trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/09, Thủ tướng Solomon đã kêu gọi áp dụng mô hình đối tác mang tính chuyển đổi của Trung Quốc, bao gồm một số sáng kiến mà Bắc Kinh đề xuất thông qua sáng kiến Vành đai Con đường.
Thủ tướng Solomon cũng tuyên bố những sáng kiến mang tính chuyển đổi này có tầm quan trọng đáng kể trong việc thúc đẩy, thực hiện và đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và cần được tất cả các đối tác áp dụng. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư chính vào quốc đảo này, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ủng hộ chính trị. Chính vì thế, việc lãnh đạo Solomon xa lánh thượng đỉnh với Mỹ là điều có thể hiểu được.
Cam kết mới tại hội nghị
Một trong các trọng tâm chính và được ưu tiên nhất trong thượng đỉnh lần này là biến đối khí hậu. Nội dung này phù hợp với chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và cũng là ưu tiên số một của các quốc đảo Thái Bình Dương, là những quốc gia có nguy cơ cao nhất. Biến đổi khí hậu hiện là mối đe dọa lớn nhất, cụ thể nhất, tác động mạnh đến phát triển kinh tế và ổn định chính trị trong nước.
Trong năm vừa qua, mực nước biển dâng cao, thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán tác động nghiêm trọng đến các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương khiến cho việc đối phó với biến đổi khí hậu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đối với Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden ngay từ đầu đã khẳng định, biến đổi khí hậu là một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của nước này. Chính vì thế, đây là điểm đồng quan trọng nhất trong chính sách của Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương hiện nay và không thể nằm ngoài chương trình nghị sự.
Trong thượng đỉnh lần này, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra một số cam kết mới, không chỉ trong biến đổi khí hậu mà còn ở các lĩnh vực khác có liên quan chặt chẽ như phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp theo hướng xanh, sạch hơn.
Cụ thể hơn, Mỹ dự kiến đầu tư thêm 20 triệu USD biến đổi khí hậu cho khu vực, ví dụ như dành 2 triệu USD thành lập Quỹ Phục hồi Thái Bình Dương (PRF); đầu tư 8 triệu USD để tăng gấp đôi các hệ thống cảnh báo sớm cho khu vực; tiếp tục hỗ trợ các nước tiếp cận nguồn tài chính trong khuôn khổ giải pháp thích ứng với khí hậu và huy động tài chính biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng phòng chống thiên tai trong khu vực…
Ngoài ra, Mỹ cũng định đầu tư 40 triệu USD cho sáng kiến cơ sở hạ tầng các quốc đảo TBD, cũng như nhiều khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư lớn đều cần Quốc hội thông qua. Đây sẽ là tiến trình không mấy dễ dàng khi đảng Cộng hòa đang nắm đa số tại Hạ viện sẽ tiếp tục gây khó dễ cho Tổng thống Biden.