Bài học 'sói đơn độc' từ khủng bố quốc hội Anh

Thiên Ân |

Các nước tập trung theo dõi các tay súng trở về từ các nước có sự hiện diện của IS, chưa quan tâm đủ các đối tượng sống bình thường trong nước.

Một năm trước, ngày 22-3-2016, cả châu Âu rúng động với các vụ tấn công khủng bố sân bay và tàu điện ở Brussels (Bỉ) là 34 người chết, hơn 200 người bị thương.

Đúng một năm sau, châu Âu lại thêm một lần kinh hoàng, nhưng lần này là ở London (Anh). 5 người chết, 40 người bị thương khi một người đàn ông chạy xe bạt mạng tông hàng chục người trên cầu Westminster, dùng dao tấn công cảnh sát với ý định xông vào tòa nhà Quốc hội và bị bắn sau đó. Cảnh sát Anh đang điều tra theo hướng đây là tấn công khủng bố liên quan đến Hồi giáo.

Trong một bài viết trên Daily Maverick, chuyên gia chống khủng bố Jasmine Opperman, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu và Phân tích Khủng bố (TRAC) phụ trách châu Phi nhận định vụ tấn công ở Anh một lần nữa nhắc nhở thực tế các nước châu Âu đang dễ bị tổn thương vì khủng bố thế nào. IS – thủ phạm thực hiện các vụ khủng bố ở Bỉ một năm trước - đã ra tuyên bố hoan nghênh vụ tấn công.

Có thể rút ra được gì phục vụ cho chiến lược chống khủng bố từ vụ tấn công mới nhất này ở London và cả các vụ tấn công liên quan khủng bố trong năm 2016 ở châu Âu (Pháp, Bỉ, Đức)?

Bước đầu cảnh sát Anh nhận định nhiều khả năng đây là một vụ tấn công theo hình thức “sói đơn độc”. Tuy nhiên cần nhìn nhận hình thức khủng bố này không phải đa số. Phần lớn các vụ khủng bố gieo rắc kinh hoàng vẫn là hình thức khủng bố nhóm, được lên kế hoạch và tổ chức thực hiện theo đường dây quốc tế, với độ chết chóc và chính xác cao.

Khả năng các phần tử nước ngoài đến một nước khác thực hiện khủng bố không cao, chủ yếu là phần tử trong nước. Điều này cho thấy mối đe dọa khủng bố tồn tại sẵn trong nước đó, hoặc thông qua cách tuyển mộ, đào tạo từ xa, hoặc thủ phạm cũng có thể là các cá nhân có tư tưởng cực đoan.

Vũ khí khủng bố không hẳn là các loại vũ khí tinh vi, chỉ cần đảm bảo hiệu quả cao và thu hút sự chú ý của truyền thông. Mạng xã hội là một kênh lý tưởng để tuyển mộ và chỉ đạo tấn công, và IS đã khai thác rất tốt kênh này.

Gần đây các nước mục tiêu Đức, Pháp, Bỉ đều báo cáo có sự gia tăng phá âm mưu khủng bố. Tuy nhiên phải nhìn nhận các nước này vẫn còn thiếu các chiến lược toàn diện, chi tiết.

Bài học sói đơn độc từ khủng bố quốc hội Anh - Ảnh 1.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công nghi khủng bố trước Quốc hội Anh ngày 22-3. Ảnh: EPA

Vậy bài học quan trọng cho một chiến lược chống khủng bố hiệu quả là gì? Theo chuyên gia Opperman, một trong những bài học này là các nước đã chưa có sự khoanh vùng chính xác đối tượng thực hiện khủng bố.

Xu hướng của các nước hiện nay là tập trung theo dõi các tay súng trở về từ các nước có sự hiện diện của IS, cùng suy nghĩ việc mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria sẽ khiến IS tăng tấn công ở các nước khác. Thực ra sự tập trung này cần phải chia phần lớn cho các đối tượng vốn sống một cuộc sống bình thường ở trong nước. “Họ không phải một phần của chúng tôi” - một thành viên IS từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.

Các âm mưu khủng bố của những “sói đơn độc” từ trong nước luôn thuộc hàng khó phát hiện nhất. Tuy nhiên theo chuyên gia Opperman, khả năng này sẽ lớn hơn nếu các nước xem đây là một trọng tâm và có chiến lược toàn diện để nhận diện, khoanh vùng và lên danh sách các đối tượng, cũng như giám sát một cách sát sao và kiên nhẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại