Bài học đắng khi nhà đầu tư ngoại rút khỏi các dự án tỷ USD

Tâm Thanh |

Nhiều dự án tỷ USD được nhà đầu tư ngoại quan tâm, đề xuất đầu tư. Tuy nhiên một thời gian sau, họ lại rút lui khiến một số dự án rơi vào cảnh ngưng trệ.

Rút khỏi các dự án lớn

Siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa vừa có tín hiệu mới khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề nghị được tham gia đấu thầu đầu tư. Nói là tín hiệu mới, bởi lẽ dự án đã được phê duyệt từ năm 1992, qua nhiều lần chủ đầu tư và dừng lại ở liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) vào cuối năm 2015.

Liên doanh khi đó đã lên kế hoạch thực hiện dự án. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, khi dự án chưa được khởi động, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án này.

Vì đối tác nước ngoài rút, Bitexco không tiếp tục triển khai, TP HCM quyết định đấu thầu thay vì chỉ định thầu. Và siêu dự án... vẫn nằm trên giấy.

Bài học đắng khi nhà đầu tư ngoại rút khỏi các dự án tỷ USD - Ảnh 1.

Toàn bộ phường 28 là khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trong quy hoạch. Ảnh: Google map.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, tính đến nay đã 26 năm. Nơi đây được kỳ vọng trở thành khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại lớn của thành phố. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho toàn dự án lên tới 30.700 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa lên tới 22.800 tỷ đồng.

Bình Quới - Thanh Đa không phải trường hợp đầu tiên có nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Cũng vào năm 2015, liên danh nhà đầu tư Hongkong Land và Sumitomo Reatly & Development cũng nộp đơn thôi tham gia đầu tư dự án 164 Đồng Khởi, quận 1.

Bài học đắng khi nhà đầu tư ngoại rút khỏi các dự án tỷ USD - Ảnh 2.

Vị trí dự án nằm trên "đất vàng" của TP HCM. Ảnh: Google map.

Không phải ngẫu nhiên mà liên danh này được chỉ định thầu dự án. Thời điểm 2009, TP HCM chủ trương đấu thầu khu đất và có gần 70 nhà đầu tư quan tâm. Nhưng do vướng mắc trong công tác đấu thầu các khu đất vàng khác nên đến năm 2013, TP HCM chỉ định luôn cho liên danh này làm nhà đầu tư khu đất.

Theo dự kiến quy hoạch, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 7.168 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng công trình hơn 3.400 tỷ đồng và tiền bồi thường, hỗ trợ di dời gần 3.800 tỷ đồng.

TP HCM yêu cầu khu đất có các chức năng quy hoạch xây dựng cụ thể là thương mại – dịch vụ, văn hóa, khách sạn cao cấp, văn phòng tài chính, khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ ở). Công trình xây dựng cũng bị giới hạn chiều cao tối đa là 100m (khoảng 25 tầng).

Tuy nhiên, liên danh vẫn rút lui. Đến nay, dự án vẫn chưa tìm nhà đầu tư mới. Hiện tại, mặt bằng khu đất vẫn được dùng để kinh doanh quán ăn, cafe.

Đâu là nguyên nhân?

Báo chí dẫn lời ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, nói nguyên nhân nhà đầu tư ngoại rút khỏi dự án Bình Quới - Thanh Đa vì thành phố chưa giải đáp được các thắc mắc của họ. Các nhà đầu tư chỉ hỏi thành phố 2 câu, về mức bồi thường bao nhiêu và bao giờ bàn giao mặt bằng. Nhưng thành phố chưa thể trả lời, thế là họ rút.

Lý do này cũng tương tự như việc liên danh Hongkong Land và Sumitomo Reatly & Developmen trả lại dự án 164 Đồng Khởi. Họ cho rằng TP HCM không cố định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, không xác định được thời gian giao đất nên không thể tiến hành đầu tư theo như những điều khoản và điều kiện mà thành phố đã đưa ra liên quan đến tổng giá đất.

Nhìn nhận thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng TP HCM cần đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thay vì chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu với nhà đầu tư không đủ năng lực, không có tiềm lực tài chính rất dễ gây tình trạng đổ bể, trì trệ thời gian tiến hành dự án. Chưa kể, nhiều dự án quy mô lớn, một nhà đầu tư không thể đáp ứng được yêu cầu.

KTS. TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch và kiến trúc cho rằng TP HCM cần chủ động trong cơ chế và tìm kiếm nhà đầu tư đủ tiềm lực. Đồng thời, khi lựa chọn nhà đầu tư, thành phố cần cho họ không gian quy hoạch, không nên vẽ sẵn quy hoạch rồi mới tìm nhà đầu tư, đặt họ vào thế bị động.

Cũng theo ông Sơn, việc tìm một nhà đầu tư làm tất cả dự án là tốt nhưng không dễ. Để tối ưu nhất, TP HCM cần tổ chức chọn nhiều nhà đầu tư cùng tham gia và thực hiện với hình thức hợp tác công tư. Theo đó nhóm nhà đầu tư sẽ liên doanh với Nhà nước để cùng thực hiện dự án mà điển hình là Phú Mỹ Hưng đã làm được.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nói ủng hộ phương án đấu thầu rộng rãi quốc tế. Việc đấu thầu còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại