"Bại binh" Leopard 2 ở chiến trường Ukraine đón tin vui

Quang Hưng |

Với tháp pháo mới, trọng lượng nhẹ hơn và trang bị nhiều công nghệ tương lai, Leopard 2 A-RC 3.0 được kỳ vọng là chiếc xe tăng tiếp theo của Đức và Pháp.

Với việc liên tục gặp thất bại trên chiến trường Ukraine, xe tăng Leopard 2 giờ đây sẽ được ra mắt phiên bản mới với những cải tiến tốt hơn.

Tập đoàn quốc phòng Pháp-Đức KNDS vừa tung ra phiên bản mới của xe tăng Leopard 2, với tháp pháo không có người điều khiển và có thể trang bị pháo chính cỡ lớn 140mn. KNDS có kế hoạch chào bán loại xe tăng này và cũng kỳ vọng đây sẽ là bước đệm quan trọng cho xe tăng thế hệ tiếp theo của Pháp và Đức.

KNDS đã cung cấp thông tin chi tiết về phiên bản xe tăng nâng cấp với tên gọi Leopard 2 A-RC 3.0, tại triển lãm quốc phòng Eurosatory diễn ra tại Paris, Pháp vừa qua. Chiếc xe tăng này được trang bị thêm một khẩu pháo 30 mm điều khiển từ xa để chống lại máy bay không người lái. Tháp pháo cũng được tích hợp bệ phóng tên lửa chống tăng dẫn đường nhẹ hơn các biến thể hiện tại trên Leopard 2.

"Bại binh" Leopard 2 ở chiến trường Ukraine đón tin vui- Ảnh 1.

Leopard 2 A-RC 3.0 tại triển lãm Eurosatory 2024.

Những tính năng mới

Như đã lưu ý, tính năng mới quan trọng nhất trên Leopard 2 A-RC 3.0 là tháp pháo mới, có thiết kế mô-đun. KNDS cho biết thiết kế này giúp cho xe tăng có thể thay pháo chính 120mm bằng các loại 130mm và 140mm trong tương lai, tùy thuộc vào sở thích của khách hàng.

KNDS cũng đã thông báo riêng về việc hoàn thành thành công một đợt thử nghiệm khác đối với hệ thống vũ khí Ascalon, hệ thống này cũng có khả năng dễ dàng chuyển đổi từ pháo 120mm sang 140mm (hoặc130mm) và ngược lại. Công ty cho biết việc hoán đổi có thể được thực hiện chỉ trong một giờ.

Kế hoạch hiện tại là thử nghiệm Ascalon trên một xe tăng thực tế. KNDS đã trưng bày xe tăng chiến đấu chủ lực cải tiến (EMBT), được trang bị tháp pháo ADT 140 không người lái phiên bản Ascalon 140mm tại Eurosatory, cùng với Leopard 2 A-RC 3.0.

Vì tháp pháo không có người điều khiển bên trong, Leopard 2 A-RC 3.0 sẽ sử dụng bộ nạp đạn tự động để thực hiện công việc này. KNDS cho biết xe có thể bắn ba viên đạn trong 10 giây. Hệ thống lưu trữ đạn dược cũng được thiết kế dạng mô-đun để phù hợp hơn với các tùy chọn cỡ nòng khác nhau.

A-RC 3.0 được trang bị bộ nạp đạn chuyên dụng vì vậy kíp lái chỉ cần ba người để vận hành. Tất cả những thành viên sẽ được bố trí cùng nhau trong một khoang trên thân xe, điều này giúp giảm 30% khả năng bị tổn thương trong chiến đấu.

Tháp pháo không người lái cũng sẽ thấp hơn hơn so với tháp pháo có người lái được sử dụng trên các biến thể Leopard 2 hiện có. Chiều cao của xe tăng cũng sẽ không thay đổi khi trang bị bệ phóng tên lửa chống tăng dẫn đường, bởi chúng được cất gọn trong tháp pháo khi không sử dụng. KNDS cho biết bệ phóng có thể chứa nhiều loại tên lửa. Mặc dù không được ghi chú rõ ràng nhưng có thể hệ thống phóng gắn trên tháp pháo trên Leopard 2 A-RC 3.0, có thể triển khai được máy bay không người lái.

Pháo 30mm của Leopard 2 A-RC 3.0 cũng được tích hợp sẵn súng phóng lựu khói, nhô lên cao phía trên nóc tháp pháo. KNDS nhấn mạnh khả năng chống máy bay không người lái của hệ thống vũ khí phụ này.

"Bại binh" Leopard 2 ở chiến trường Ukraine đón tin vui- Ảnh 2.

Leopard 2A7, một ví dụ về biến thể xe tăng thế hệ hiện tại với tháp pháo có người lái truyền thống.

Leopard 2 A-RC 3.0 còn được lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động trên tháp pháo. Đây có thể là một phiên bản của Trophy do Israel thiết kế, từng được KNDS tích hợp vào các biến thể Leopard 2 mới hơn. Hệ thống Trophy đã được kiểm chứng trong chiến đấu, bao gồm một loạt radar nhỏ cùng với các bệ phóng được nạp sẵn đạn đánh chặn. Các radar phát hiện ra mối đe dọa đang đến và truyền tín hiệu cho các bệ phóng tấn công chúng.

KNDS cho biết thiết kế của Leopard 2 A-RC 3.0 còn có các tính năng tiên tiến khác, bao gồm bộ cảm biến được tối ưu hóa cho hoạt động phối hợp với thiết bị không người lái, hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tự động hóa và chức năng truyền động bằng dây. Những tính năng này có thể được sử dụng trong tương lai.

Điều quan trọng nhất, Leopard 2 A-RC 3.0 dự kiến sẽ nhẹ hơn đáng kể so với các biến thể Leopard 2 hiện tại. KNDS cho biết tổng trọng lượng của xe tăng chỉ khoảng 60 tấn tùy thuộc vào cấu hình chính xác của nó. Leopard 2A7+, một trong những biến thể tiên tiến nhất hiện nay, có trọng lượng khoảng 72 tấn. Việc giảm đáng kể trọng lượng sẽ giúp phiên bản mới có khả năng cơ động và vận chuyển tốt hơn, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu.

"Bại binh" Leopard 2 ở chiến trường Ukraine đón tin vui- Ảnh 3.

Cạnh tranh với nhiều đối thủ

KNDS đánh giá Leopard 2 A-RC 3.0 không chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi hệ thống tác chiến trên bộ thế hệ tiếp theo (MGCS) được giới thiệu, mà còn mang nhiều công nghệ tiền thân quyết định cho MGCS tương lai.

Chương trình Hệ thống Chiến đấu Mặt đất chính (MGCS) của Pháp-Đức khởi động từ năm 2017, với kế hoạch tạo ra một xe tăng chiến đấu chủ lực mới, cùng các phương tiện có người lái và không người lái khác. Thành phần xe tăng này dự kiến sẽ thay thế Leopard 2 hiện tại của Đức, cũng như Leclercs của Pháp. KNDS cho biết họ cũng sẽ trưng bày một biến thể Leclerc Evolution mới, với tháp pháo có người lái được trang bị pháo Ascalon 120mm tại Eurosatory.

Tính năng vi diệu trên Samsung Galaxy S24 Ultra khiến iPhone 15 Pro Max 'thua ngay từ vòng gửi xe'Tính năng vi diệu trên Samsung Galaxy S24 Ultra khiến iPhone 15 Pro Max "thua ngay từ vòng gửi xe"

Galaxy S24 Ultra có giá bán thậm chí còn đắt hơn cả iPhone 15 Pro Max nhưng số tiền chi ra có lẽ là xứng đáng.

Đầu năm nay, KNDS đã công bố sẽ thành lập một công ty liên doanh mới với Rheinmetall và Thales của Đức tại Pháp để hợp tác chuyên sâu về MGCS. Rheinmetall từng tiết lộ về xe tăng KF51 Panther thế hệ tiếp theo vào năm 2022. KF51 sử dụng tháp pháo có người điều khiển với pháo chính 130 mm, xe tăng cũng có bệ phóng tích hợp cho tên lửa hoặc máy bay không người lái.

Các báo cáo của phương tiện truyền thông Đức từng đưa tin rằng, Rheinmetall không hài lòng với vị trí của mình trong chương trình MGCS. Do đó, Leopard 2 A-RC 3.0 có thể sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với KF51.

Một biến thể KF51 dành cho Hungary, đã được đưa vào sản xuất và Ukraine cũng có thể sẽ mua loại xe này. Rheinmetall cũng cho biết họ vẫn đang có kế hoạch thành lập một cơ sở sản xuất xe bọc thép tại Ukraine, để sản xuất xe chiến đấu bộ binh Lynx và có khả năng là KF51 trong tương lai. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các phương tiện chiến đấu đến từ Hàn Quốc, cũng sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh cho các công ty quốc phòng châu Âu thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại