Mới đây, Công ty CP đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa có văn bản giải trình về việc lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý I/2023 đạt 21 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2021 là 1.445 tỷ đồng.
Về nguyên nhân của việc suy giảm lợi nhuận kỳ này, MWG cho biết:
Sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quý I/2023. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng. Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.
Việc thu hút và giữ chân khách hàng có ý nghĩa quan trọng đối với Công ty để tiếp tục gia tăng thị phần và tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Do đó, công ty chủ động thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% quý I/2022 xuống 19% quý I/2023, trong khi chi phí hoạt động mặc dù đã giảm đáng kể nhưng mức giảm chi phí không tương ứng với sự sụt giảm doanh thu do một số chi phí cố định, dẫn đến tác động mạnh lên lợi nhuận ròng.
Bên cạnh đó, nền so sánh là quý I/2022 là nền so sánh rất cao, khi nhu cầu mua sắm tăng mạnh do bị dồn nén sau dịch Covid.
Có thể thấy, đây là giai đoạn nhiều khó khăn của MWG khi sức mua trong hai mảng trụ cột là điện thoại và điện máy giảm mạnh đồng thời phải "gồng lỗ" cho mảng siêu thị mini, nhà thuốc,...
Mới đây, Bách hóa Xanh vừa công bố lỗ tính thuế 353,7 tỷ đồng trong quý I/2023, tương đương mỗi ngày chuỗi siêu thị mini này lỗ 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, An Khang lỗ 74 tỷ đồng và chuỗi MWG Cambodia lỗ 89 tỷ đồng. MWG cho biết, việc dọn dẹp, đóng cửa hoạt động kinh doanh của MWG tại Campuchia về cơ bản đã hoàn tất trong quý I/2023.
Mặc dù khó khăn bủa vây nhưng có nền tảng tài chính tốt từ những năm trước, không đầu tư tài chính trái ngành nên đến cuối quý I, MWG vẫn sở hữu lượng tiền ròng (Tổng tiền + Các khoản tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn - Nợ vay) trị giá hơn 2.500 tỷ đồng, cụ thể:
- Tiền và các khoản tương đương tiền: 2.781 tỷ đồng
- Tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng: 17.028 tỷ đồng
- Vay ngắn hạn: 11.313 tỷ đồng
- Vay dài hạn: 5.901 tỷ
Trên thực tế, năm 2023 là một năm kinh doanh khó khăn trong các ngành nghề, lĩnh vực. Việc sở hữu số dư tiền ròng hàng nghìn tỷ đồng như của MWG là điều mà nhiều doanh nghiệp không có được.
BCTC quý I được công bố cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết có doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận âm, số lượng nhân viên nghỉ việc tăng cao,... đồng thời tiền ròng cạn kiệt, hoặc ở mức vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Việc sở hữu tiền ròng dương là một lợi thế về mặt tài chính với MWG trong giai đoạn này. Qua đó có thể tạo điều kiện cho công ty đầu tư vào các sản phẩm mới, hàng hóa bán chạy và các chương trình thúc đẩy bán hàng hấp dẫn để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đây cũng là cơ sở cho phép công ty có dư địa kiểm soát chi phí tài chính hiệu quả hơn.