Người đến Diệp Vấn cũng phải gọi là "Sư phụ"
Có một điều mà rất ít người trong giới võ thuật Việt Nam biết đến, đó chính là việc có một vị danh sư nhiều năm gắn bó với võ thuật nước ta, người này không chỉ là sư huynh mà còn là từng là thầy của Diệp Vấn.
Đó chính là cụ Nguyễn Tế Công, sáng tổ môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam.
Tế Công (tên thật là Nguyễn Tế Vân, 1877 – 1959) sinh ra tại Phật Sơn, Quảng Đông, vốn cùng quê với Diệp Vấn – người kém cụ Tế 16 tuổi nhưng tên tuổi của ông trong làng võ thế giới lại hoàn toàn gắn với Việt Nam.
Tại Việt Nam cũng có một số tài liệu nói về cụ Tế Công nhưng chủ yếu chỉ đề cập tới việc vị danh sư này từng là sư huynh của Diệp Vấn bởi cả hai người đều từng là học trò của võ sư Trần Hoa Thuận.
Tuy nhiên, theo một vị cao thủ ở Hà Nội từng có gần 40 năm luyện Vĩnh Xuân Việt Nam, người từng sang tận Phật Sơn để nghiên cứu về Vịnh Xuân Trung Hoa (xin được giấu tên) thì một số tài liệu tại Phật Sơn khẳng định Diệp Vấn từng có thời gian là đồ đệ của cụ Tế Vân.
Cụ Tế Công thi triển mộc nhân thung.
Sở dĩ như vậy là bởi Diệp Vấn là học trò của Trần Hoa Thuận, vì thế xét trên vai vế thì ông chính là sư đệ của Tế Vân. Nhưng thực chất, Tế Vân đã từng là người từng trực tiếp truyền dạy kung-fu nên có thể coi ông chính là sư phụ của Diệp Vấn.
Theo vị võ sư tại Hà Nội, nếu xét trên mối quan hệ này thì ngay tới huyền thoại võ thuật thế giới – Lý Tiểu Long cũng phải gọi Tế Vân là Sư công (tức là thầy của thầy).
Như vậy, vô hình chung, võ thuật của Diệp Vấn, Lý Tiểu Long so với Vĩnh Xuân Việt Nam tưởng chừng chẳng có một mối quan hệ nào nhưng thực chất lại khá gần gũi.
Về sau, Tế Công và Diệp Vấn, mỗi người đi theo một con đường riêng. Diệp Vấn phát triển dòng Vĩnh Xuân Hồng Kông và trở thành Nhất đại tông sư còn cụ Tế Công lại truyền bá Vĩnh Xuân sang Việt Nam.
Song, có một điều đáng tiếc cho đến nay vẫn là một dấu hỏi, bởi không biết vì lý do gì mà giữa Diệp Vấn và Tế Công sau khi đường ai nấy đi, hai người đã không còn duy trì một mối quan hệ nào nữa. Cũng vì thế, không nhiều người biết rằng hai vị cao thủ này từng chính là thầy trò.
Xét về "vai vế", Diệp Vấn phải gọi Tế Công bằng sư phụ còn Lý Tiểu Long sẽ phải gọi là Sư công.
Võ công sánh ngang Hoàng Phi Hồng và chặng đường trở thành "Ông tổ Vĩnh Xuân Việt Nam"
Không có một tài liệu nào so sánh võ thuật của Tế Công và Diệp Vấn, ai giỏi hơn ai dù biết rằng hai người từng vừa là huynh đệ vừa là thầy trò.
Nhưng theo vị võ sĩ tại Hà Nội từng sang Phật Sơn để nghiên cứu Vĩnh Xuân thì trình độ võ thuật của cụ Tế Công được đánh giá là sánh ngang với Hoàng Phi Hồng, cao thủ bậc nhất Trung Hoa giai đoạn nửa sau thế kỷ 19 - nửa đầu thế kỷ 20.
Một số nguồn tin tại Phật Sơn khẳng định rằng Hoàng Phi Hồng từng có ý định lên đài đấu với Tế Công để xem võ thuật Thiếu Lâm và Vĩnh Xuân, đâu mới là thứ công phu lợi hại nhất. Tất nhiên với khả năng của mình, cụ Tế Công đã nhận lời.
Đáng tiếc rằng thời điểm đó, Tế Công vì tham gia cách mạng chống giặc ngoại xâm và triều đại Nhà Thanh Mãn Châu, bị triều đĩnh truy nã phải trốn sang Việt Nam, nên trận so tài đỉnh cao đã không được diễn ra.
Tế Công cùng các môn đệ.
Có câu chuyện kể rằng, cụ Tế Công từng có thời gian kiếm sống bằng nghề bao tiêu khắp từ Quảng Đông đến Vân Nam, trải qua nhiều trận chiến trên giang hồ nhưng luôn không có đối thủ với một cặp Bát Trảm Đao và một cây côn.
Đến năm 1936 (có tài liệu ghi 1939), vì bị triều đình Mãn Thanh truy lùng quá gắt gao mà cụ Tế Vân đã đổi tên thành Tế Công, rời bỏ quê hương trên một chiếc thuyền buôn và cập cảng Hải Phòng.
Sau một thời gian, ông quyết định đến Hà Nội để định cư lâu dài và cũng để truyền bá võ nghệ, trở thành sáng tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam, được giới võ lâm ca tụng là một cao nhân võ học đích thực.
Những người theo học cụ Tế Công tại Hà Nội bao gồm cả người Hoa và người Việt. Trong số những đệ tử người Việt, nổi tiếng nhất có Trần Thúc Tiển, Trần Văn Phùng, rồi tới Ngô Sĩ Quý, Vũ Bá Quý.
Sau này, 3 đệ tử đầu tiên đều trở thành người đại diện cho một dòng của Vĩnh Xuân Việt Nam, còn lại Vũ Bá Quý chắt lọc Vĩnh Xuân kết hợp với quyền Anh tạo nên môn phái mới mang tên Vũ gia thân pháp.
Sau kháng chiến chống Pháp, sáng tổ Tế Công rời thủ đô để vào Sài Gòn, thu nạp thêm một số đệ tử. Tuy nhiên sau này, các dòng Vĩnh Xuân tại miền Nam không phát triển mạnh bằng so với Hà Nội.
Nhìn chung nếu xét về hệ thống kỹ thuật thì Vĩnh Xuân của cụ Tế Công truyền bá tại Việt Nam phong phú hơn so với dòng Vĩnh Xuân Diệp Vấn.
Bởi cụ Tế Công đã du nhập thêm hệ thống Ngũ hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc) từ Thiếu Lâm vào Vĩnh Xuân Việt Nam nhưng ông đã chắt lọc, cải tiến cho phù hợp với thể chất và năng khiếu của mỗi môn đồ.
Ngoài ra, bài Mộc nhân của Tế Công cũng phong phú hơn của Diệp Vấn. Bài của Diệp sư phụ có 116 chiêu thức nhưng một nửa bài là lập lại, thành ra chỉ có 58 chiêu thức trên thực tế, khác với bài của Tế Công có tới 108 chiêu thức.
Khá đáng tiếc khi 2 người con của cụ Tế Công đều không ai theo nghiệp võ.
Sáng tổ Tế Công mất năm 1959 (thọ 82 tuổi). Điều đáng tiếc duy nhất đó chính là việc cả hai người con của ông (một trai, một gái) đều không luyện võ.
Sinh thời, mặc dù là người gốc Hoa nhưng Tế Công luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và hết lòng truyền dạy Vĩnh Xuân cho các môn sinh. Thậm chí ông đã từng một lần phải thốt lên rằng: "Hồn của Vĩnh xuân đã sang hẳn Việt Nam mất rồi!".
Ông không chỉ là người có đóng góp rất lớn trong kho tàng đồ sộ của nền võ thuật đất Việt mà còn xứng đáng là một cây đại thụ của làng võ thế giới ở thế kỷ 20.