Bác sĩ, xin đừng khóc!

Hoàng Việt |

Bác sĩ Hồng Chiến, ngày hôm qua khi anh khóc trong lúc trả lời phỏng vấn, tôi cũng như rất nhiều người khác đã thực sự rất đau lòng.

Đó là những giọt nước mắt đắng chát, uất hận và bất lực khi danh dự, nhân phẩm và tình yêu nghề của anh bị chà đạp một cách thô bạo.

Tôi đã xem clip ghi lại cảnh anh bị hành hung, xem cả đoạn clip mà kẻ côn đồ đã rải tiền ra bàn làm việc sau khi đánh anh để cố tình vu vạ cho anh và tìm cách chạy tội cho mình. Đó là hành vi ti tiện, gian xảo của một gã đàn ông thừa sức lực nhưng hèn hạ.

Nhưng trong câu chuyện với phóng viên, anh không hề lên tiếng thanh minh hay giải thích. Cá nhân anh đang cố phải chấp nhận một sự thật chua chát, đó là: "Người ta không tin bác sỹ, người ta tin những người khác hơn là người chữa bệnh cho mình".

Vâng, mặc dù không nằm trong số những người không tin bác sĩ nhưng phải thừa nhận, anh đã đúng. Ở xã hội hiện nay, nhiều người có thể quỳ mọp xuống, khấu đầu lạy tạ một con cá chép, một con rắn, một cành cây.

Họ có thể dành cả tháng trời đi hết đền nọ, chùa kia để cầu khấn xin sức khỏe, xin tiền tài, danh vọng…

Khi họ tin rằng, sức khỏe của mình và người thân được ban phát bởi thần linh, bởi cá chép, bởi mọi thứ siêu nhiên mà họ nghĩ ra thì những lời khuyên, những lời tư vấn của bác sĩ trở thành vô dụng.

Là một nhà báo, tôi cũng đã từng tham dự những lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành y và chứng kiến những bác sĩ trẻ tuổi đặt tay lên ngực, đọc to lời thề Hypocrat.

Đó là giây phút rất xúc động, thiêng liêng. Họ thề sẽ bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Hồng Chiến, anh có lẽ cũng giống như họ, đã từng thề rằng, sẽ dành toàn bộ tâm sức, tài năng để cứu chữa cho những người bệnh.

Đến nay, sau hàng loạt những vụ bạo hành, thậm chí có bác sĩ đã bỏ mạng vì bị người nhà bệnh nhân hành hung, không biết đã có ai bỏ quên hoặc không muốn giữ lời thề thiêng liêng đó? (Xét cho cùng, nếu có quên cũng chẳng trách được họ vì bác sĩ cũng là người, họ chẳng dại gì lao đầu đi cứu người để rồi bị đánh, bị giết).

Nhưng tôi tin anh, dù bị xúc phạm nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần nhưng anh vẫn nén nước mắt để khẳng định dù ở hoàn cảnh trớ trêu, đen tối thế nào vẫn không quên lời thề danh dự đó: "Tôi sẽ khâu cho cháu dù bố cháu có đánh tôi.

Tôi muốn cho xã hội này thấy, dù bác sỹ có bị chèn ép sao nữa, họ vẫn phục vụ những người đánh họ".

Vâng, dù có bị chèn ép, bị đánh đập thì bác sĩ vẫn phục vụ những người đã đánh họ. Tôi tin đã có rất nhiều người khóc cùng anh bác sĩ ạ. Một lời khẳng định đau lòng và chua xót nhất tôi đã từng nghe.

Tôi nhớ một chuyện xảy ra vào tháng 11/2015 tại TP Hồ Chí Minh, một nữ sinh viên của Đại học Tôn Đức Thắng bị đụng xe tải được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV trong tình trạng bị thương nặng, hôn mê sâu.

Kết quả phim chụp, siêu âm đều cho thấy bệnh nhân đa chấn thương nghiêm trọng, mạch bằng 0, tình trạng nguy kịch trong khi không có người thân nào bên cạnh để ký giấy phẫu thuật.

Nếu trong giây phút sinh tử đó, các bác sĩ làm đúng nguyên tắc để bảo vệ sự an toàn của họ, cô gái trẻ kia chắc chắn sẽ không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Nhưng bác sĩ Lê Đức Tuấn người trực cấp cứu đã không cam tâm đứng chờ thần chết mang bệnh nhân của mình đi, anh ta quyết định tự ký giấy, chịu trách nhiệm về ca phẫu thuật với tư cách thân nhân của người bệnh.

Với "canh bạc" tất tay đó, vị bác sĩ đã giữ được mạng sống cho cô sinh viên. Nhưng nếu đặt trong hoành cảnh hiện tại, không biết, vị bác sĩ kia có đủ can đảm ký giấy để cứu người hay không?

Nhìn vào những đồng nghiệp bị đánh đập vô cớ, bị hành hung dã man đang xảy ra hàng ngày, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước, bác sĩ càng có thêm lý do để chần chừ, do dự trong những giây phút sinh tử.

Có thể khi họ thành công trong ca phẫu thuật, họ được vinh danh một vài ngày, nhưng nếu thất bại, liệu dư luận xã hội, báo chí… có để cho người thầy thuốc đó được yên, chắc chắn là không. Khi đó, sự nghiệp của họ chắc chắn tiêu tan.

Số đông vẫn chỉ nhìn vào sự thất bại của bác sĩ trong trận chiến giành giật sự sống trong tay tử thần. Đó là một trận chiến khó khăn và không phải ai cũng đủ kiến thức để hiểu cho bác sĩ.

Người ta nói rằng, bác sĩ là những người có đôi mắt diều hâu, trái tim sư tử và bàn tay phụ nữ.

Bác sĩ, xin đừng khóc! - Ảnh 2.

Đôi mắt diều hâu giúp bác sĩ nhanh chóng phán đoán, xác định những vết thương đang gây nguy hiểm nhất cho bệnh nhân, trái tim sư tử giúp họ không được phép sợ hãi dù phải giành giật sự sống từng giây, từng phút trên lưỡi hái của tử thần và đặc biệt, họ có bàn tay của phụ nữ với sự khéo léo cao độ để nhanh nhẹn, tỷ mỉ trong từng vết khâu.

Vâng, đôi tay của bác sĩ giống đôi tay của phụ nữ, đôi tay ấy sinh ra để để chăm sóc bệnh nhân chứ không để giơ lên một cách tuyệt vọng khi chịu đòn.

Bàn tay gầy guộc của bác sĩ Hồng Chiến khi giờ lên chới với trong cơn cuồng nộ của kẻ côn đồ nhắc chúng ta cần phải làm gì đó, dẫu chỉ là hô hào.

Một cuộc tuần hành để ủng hộ bác sĩ là cần thiết vào lúc này. Chúng ta cần lên tiếng để những người thày thuốc như bác sĩ Hồng Chiến hiểu rằng, anh không đơn độc, anh không phải cố chấp nhận rằng xã hội không tin bác sĩ.

Không, chúng tôi tin anh bác sĩ ạ. Hãy dũng cảm để tiếp tục giữ vững lời thề Hypocrat. Đó là lời thề thiêng liêng, chắc chắn anh và rất nhiều thày thuốc khác không muốn quên và không thể quên!

Clip: Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị đánh chia sẻ (nguồn: VTV1)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại