Chuyên gia lý giải về lây nhiễm qua Aerosol: Khí dung? Bụi khí?

Hải Võ |

Ở các không gian kín như thang máy, văn phòng thì rủi ro về lây nhiễm virus corona qua aerosol mới cao hơn một chút.

Có nhiều loại bệnh về đường hô hấp có thể lây nhiễm thông qua aerosol. Trên thực tế aerosol không phải là một con đường truyền nhiễm mới, nhưng do ít được đề cập nên phần nào dễ dẫn đến hoang mang.

Phó chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đồng Tế, Trung Quốc, ông Quách Uy chỉ ra, aerosol là những vi hạt lơ lửng trong không khí, hình thành nên những hạt lỏng nhỏ li ti trong không khí.

Hạt này không phải là luôn luôn lơ lửng mà rất dễ "chìm" xuống, đọng trên bề mặt các vật thể. Điều này mang đến những tương đồng với việc ngăn ngừa lây nhiễm qua con đường tiếp xúc [đồ vật].

"Ngay cả là khi aerosol trong trạng thái lơ lửng, thứ nhất chúng ta có khẩu trang bảo vệ, do đó chúng tôi khuyến nghị đeo khẩu trang đúng cách, khẩu trang cần che kín mũi và miệng, hạn chế tối đa khe hở giữa phần mặt với khẩu trang".

Thứ hai, theo ông Quách, virus corona muốn gây bệnh cho người cần phải đạt tỉ lệ nhất định về lượng. Ở các môi trường trống trải, ít người, aerosol bị pha loãng và thổi bay đi, như vậy hàm lượng virus ít ỏi trong aerosol (nếu có) cũng không nhiều khả năng khiến người bị "trúng bệnh".

Ở các không gian kín như thang máy, văn phòng thì rủi ro về aerosol mới cao hơn một chút, do đó khuyến cáo mọi người không nên tụ tập, xếp hàng cách nhau 1.5-2m là khoảng cách cách ly tương đối an toàn.

Quách Uy nói, trong tình huống hô hấp thông thường, virus không dễ phát tán ra từ khí quản, nhưng nếu ho mạnh, ho đờm thì có thể phát ra aerosol. Điều này giống với lây nhiễm qua "giọt bắn".

Trên thực tế, lây nhiễm qua aerosol cũng đã bao hàm trong hình thức lây nhiễm qua giọt bắn và tiếp xúc. Ngăn ngừa lây nhiễm qua aerosol thực ra có ý nghĩa lớn hơn đối với các đội ngũ y tế. Cần nhắc nhở nhân viên y tế trong quá trình thao tác với khí quản cần áp dụng biện pháp cách ly không khí như đeo khẩu trang phòng hộ, kính phòng hộ...

Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8/2, một nguồn thông tin cho biết các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định nCoV có thể lây qua aerosol.

Báo điện tử Chính phủ cho hay, một số thông tin cho rằng aerosol là "bụi khí" nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là "khí dung".

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Cụ thể là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.

Cách lây qua qua đường phân (trong trường hợp chăm sóc người nhiễm bệnh) thường không xảy ra vì bệnh nhân được chăm sóc cách ly trong cơ sở y tế. Cách lây theo đường "bụi khí" như thông tin đang gây xôn xao dư luận trên một vài kênh thông tin là hoàn toàn không chính xác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Đối với nhân viên y tế, nhiều con đường có thể lây nhiễm virus nói chung và nCoV nói riêng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo với các nhân viên y tế khi sử dụng thủ thuật điều trị khí dung trong thời điểm dịch bệnh hiện tại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus.

Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí, phế quản, viêm mũi xoang… Khi sử dụng phương pháp điều trị khí dung, bệnh nhân được úp mặt nạ lên vùng mũi, miệng. Các dung dịch bốc hơi được đưa trực tiếp vào đường hô hấp của bệnh nhân thông qua một ống dẫn khí nối với máy phát khí dung. Như vậy, khi bơm khí vào mặt nạ sẽ tác động thẳng đến vùng trong họng bệnh nhân. Tuy nhiên, do áp lực bơm khí dung, các giọt bắn có thể văng ra hai bên của mặt nạ nên có thể mang nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, chủng mới virus Corona không lây qua đường không khí mà chỉ lây nghiễm đối với trường hợp bị những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2m. Giữ khoảng cách trên 2m là an toàn.

Cập nhật thông tin mới nhất về Dịch Corona TẠI ĐÂY.

Theo báo Người lao động, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều hành Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết "aerosol", nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là "khí dung", chứ "bụi khí" là không chính xác và không có chuyện nó bay lung tung trong không khí thông thường vì khí dung chỉ dùng trong cơ sở y tế!

Chúng tôi vẫn đang tham vấn chuyên gia về chủ đề này và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hiện Ủy ban Y tế Thượng Hải đã đưa Aerosol vào một trong những con đường lây nhiễm virus corona chủng mới.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vẫn chưa có động thái tương tự.

Theo WHO, con đường truyền bệnh chính của 2019-nCoV là qua "giọt bắn" và tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Chuyên gia lý giải về lây nhiễm qua Aerosol: Khí dung? Bụi khí? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại