Trước đó, vào đêm ngày 13/7, khoảng 1h sáng, sản phụ Phàn Thị Chẩy, 20 tuổi ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên nhập viện Vị Xuyên với chẩn đoán mang song thai và đã có dấu hiệu suy thai, chỉ định mổ cấp cứu.
Trong quá trình mổ sinh, bác sĩ mới phát hiện 2 bé trai bị dính liền. Do vậy, đến ngày 14/7, sau khi thực hiện mổ tách rời hai bé trai, bệnh viện Vị Xuyên quyết định chuyển hai bé xuống Hà Nội để có thể chẩn đoán tốt hơn tình hình.
Lúc này, điều mà các bác sĩ lo lắng nhất là gia đình hai bé vô cùng nghèo khó.
Bác sĩ Chung mặc áo blouse, đứng giữa chợ huyện kêu gọi ủng hộ cho hai bé sơ sinh.
Bác sĩ Chung kể, tiền ăn của họ cũng không có lấy đâu ra tiền xuống Hà Nội. Dù hai cháu có bảo hiểm y tế nhưng tiền để đưa cháu xuống Hà Nội là cả vấn đề.
Sau khi cân nhắc, anh nghĩ ra ý tưởng mang hòm ủng hộ từ thiện ra ngoài chợ huyện để kêu gọi. Vì nghĩ đến hoàn cách đáng thương, cấp bách của hai bé, anh không ngần ngại mặc áo bác sĩ và không quên mang biển tên để lấy "uy tín".
Câu chuyện bác sĩ ra chợ kêu gọi quyên góp ủng hộ bệnh nhân nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và trong vùng nên có nhiều người đến ủng hộ. Đến chiều tối ngày 14/7, số tiền ủng hộ hai bé song sinh đã lên đến 40 triệu đồng.
Anh Chung tâm sự rằng, chỉ vì muốn ra chợ huyện là chỗ đông người để trực tiếp quyên góp cho nhanh trong lúc cấp bách, nên dù ý thức được rằng việc "làm càn" này có thể sẽ bị khiển trách song vì người bệnh, vị lương y không một phút chần chừ.
Hành động của anh cũng vấp phải luồng ý kiến tiêu cực chê trách sự thiếu trách nhiệm của ban lãnh đạo bệnh viện khi không có những hành động kịp thời để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, để mặc cá nhân bác sĩ Chung tự đứng ra lo liệu mọi việc.
Những ý kiến tiêu cực nhanh chóng bị phản bác. Bạn Lương Thu Thủy tỏ ra khá bức xúc trước luồng quan điểm trái chiều và lên tiếng giải thích: "Mọi người đừng thấy vậy mà nói không hay về ban Giám đốc bệnh viện.
Ông giám đốc còn là một trong những người bỏ tiền ra ủng hộ đầu tiên đấy. Anh Chung là Chủ tịch Công đoàn, ra chợ kêu gọi cùng cả một nhóm người của Công đoàn bệnh viện.
Muốn thực hiện được thì phải có sự đồng ý của Ban giám đốc. Nói chung hành động tốt đẹp này là của cả tập thể y bác sĩ của bệnh viện Vị Xuyên chứ không riêng mình ai.
Mình ở gần đó nên mình biết "Trước hành động ra tay cứu người không chút e dè của vị
phó giám đốc, đa số mọi người đều ủng hộ và ngợi khen."
Bạn Huyền Trang xúc động nói: "Giờ cháu mới biết câu "Lương y như từ mẫu" để dành cho chú.
Cảm ơn chú đã không ngại những lời nói mà xuống chợ tìm kiếm lòng hảo tâm giúp đỡ hai em bé! Chú thật quá tuyệt vời! Chúc chú và gia đình luôn bình an ạ!"
Hành động của bác sĩ Chung cũng vấp phải những luồng ý kiến trái chiều.
Một bạn có nickname Binh Seiler lên tiếng bênh vực hành động của bác sĩ và được nhiều người ủng hộ: "Thấy chưa? Tôi vẫn tin bác sĩ Việt Nam còn đầy lương tâm, hai từ bác sĩ cao quý biết bao!
Ước gì các bác sĩ khác cũng cứ " làm càn" hết như bác này nè, đọc mà nghẹn cả cổ họng. Một việc làm cao cả đến mức phải thốt lên là" trên cả tuyệt vời" thì có gì đáng trách chứ ?"
Đồng quan điểm với Binh Seiler, bạn Huỳnh Văn Lập thẳng thắn chia sẻ: "Việc làm từ thiện để cứu lấy một sinh mệnh con nguời đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp thể hiện cái tâm, cái đức của một con người, của một người bác sĩ.
Nếu chỉ vì quy tắc nào đó mà bỏ một sinh mệnh gặp nguy hiểm thì thử hỏi hình thành nên cái nghề bác sĩ làm gì? Bác sĩ là chữa bệnh, là cứu người...
Nếu cứu con người khỏi sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng mà bị khiển trách thì thật thất vọng. Liệu những nguyên tắc đó có hạn chế những việc làm thiết thực mà lẽ ra các bác sĩ sẽ làm được trong quá trình chữa bệnh cứu người hơn là ngồi đó đứng nhìn.
Nhìn thấy những suy nghĩ, những lo lắng thể hiện trên khuôn mặt anh, em thật rất tự hào về anh. Chúc anh sớm quyên góp đủ kinh phí để phẫu thuật cho hai cháu! Chúc anh thật sức khỏe và chúc cho hai cháu sẽ sớm được thực hiện ca mổ và phục hồi sức khỏe tốt."