Bắc Kinh như ngồi trên đống lửa nhìn Nhật ngoạn mục phá "thời đại hoàng kim" Anh-Trung

Hải Võ |

Việc Anh điều tàu sân bay đến châu Á-Thái Bình Dương không còn là điều xa xôi sau khi Thủ tướng Anh Theresa May và đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe ra tuyên bố chung hôm 31/8.

Ngày 31/8, Nhật Bản và Anh đã ra 2 bản tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Anh Theresa May, liên quan đến củng cố quan hệ kinh tế và an ninh hai nước.

Đáng chú ý, tuyên bố chung cho biết Nhật Bản hoan nghênh "Anh tăng cường tiếp cận an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm khả năng triển khai một tàu sân bay của Anh".

Anh và Nhật Bản sẽ đặt trọng điểm là củng cố hợp tác an ninh trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời xác nhận nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu.

Ngoài khả năng lập cơ chế tổ chức tập trận chung giữa quân đội Anh với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), hai bên thỏa thuận tăng hợp tác trong phát triển công nghệ phòng thủ, chính sách chống khủng bố và tấn công mạng...

Trước cuộc hội đàm cấp cao, thủ tướng Abe còn mời bà May đến dự phiên họp đặc biệt của Hội đồng an ninh quốc gia Nhật (NSC) tại văn phòng của ông, một cử chỉ làm nổi bật quan hệ an ninh mạnh mẽ giữa hai nước.

Thủ tướng Anh cũng được mời thăm tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật tại căn cứ hải quân Yokosuka.

Theo Nikkei (Nhật), Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay đến châu Á-Thái Bình Dương sớm nhất là vào đầu năm 2018, đồng thời tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông cùng với Mỹ.

Đại diện SDF cho hay, việc lực lượng an ninh Nhật tập trận với nhóm tác chiến tàu sân bay của một nước thứ ba ngoài Mỹ là điều rất hiếm gặp.

Hồi tháng 7, SDF đã tham gia cuộc tập trận chung Malabar trên Ấn Độ Dương với hải quân Mỹ và nhóm tàu sân bay của Ấn Độ. Còn nếu tính ở vùng biển xung quanh nước Nhật, ít nhất trong 10 năm qua SDF không tập trận cùng tàu sân bay của bên thứ ba.

Nikkei cho hay, tàu sân bay của Anh, với khả năng mang số lượng lớn chiến đấu cơ, sẽ làm gia tăng sức đe dọa tại khu vực được triển khai. Nếu việc tập trận chung được thông qua, Tokyo có thể cân nhắc bắt tay cùng Anh và Mỹ tham gia giải quyết các sự vụ liên quan ở biển Đông.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon hôm 27/7 hé lộ London dự định đưa tàu sân bay tham gia hoạt động ủng hộ tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế ở biển Đông vào năm 2018, nhằm gia tăng vị thế trên biển của nước này. Ông Fallon tuyên bố, "chúng tôi sẽ không chịu sự hạn chế nào bởi Trung Quốc".

Bắc Kinh như ngồi trên đống lửa nhìn Nhật ngoạn mục phá thời đại hoàng kim Anh-Trung - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Phó thủ tướng Nhật kiêm Bộ trưởng tài chính Taro Aso, Ngoại trưởng Taro Kono, và Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Shotaro Yachi, chụp ảnh trước cuộc họp tại Tokyo, ngày 31/8 (Ảnh: Kazuhiro Nogi/Pool)

Không còn "thời đại hoàng kim" Anh-Trung

Báo Guardian (Anh) dẫn lời ông Michael Fallon, cho biết Anh đã theo đuổi việc củng cố địa vị trên biển từ sau khi nước này điều 4 chiến đấu cơ đến tập trận với quân đội Nhật hồi năm ngoái.

Trong phát biểu hồi tháng 7, Bộ trưởng quốc phòng Anh nói nước này chưa xác định địa điểm cụ thể để bố trí tàu sân bay tại châu Á. Nhưng với chuyến công du nhiều ý nghĩa của thủ tướng May, Nhật Bản đã được cho là lựa chọn lý tưởng.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 31/8 bình luận, việc Anh sốt sắng can thiệp vào các sự vụ của khu vực Đông Á khiến Trung Quốc không thể hiểu nổi.

Tờ này chỉ trích, "nếu nhóm của bà May làm việc theo kiểu 'miệng nhanh hơn não' thì chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều màn kịch hay để xem", đề cập đến việc thủ tướng May tỏ thái độ về vấn đề biển Đông và kêu gọi Trung Quốc tăng áp lực buộc Triều Tiên ngưng phóng thử tên lửa.

Đáp trả thủ tướng Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích "một số bên liên quan chỉ thực hiện nghị quyết Liên Hợp Quốc theo kiểu chọn lọc bằng cách thúc đẩy chế tài mà làm ngơ với việc thúc giục đối thoại".

Bà Hoa nói "đó không phải là thái độ nên có từ các quốc gia có trách nhiệm, trong khi mùi đạn pháo vẫn còn nồng nặc ở bán đảo Triều Tiên".

Truyền thông Anh tỏ ra lo ngại lập trường của chính quyền thủ tướng May có thể làm tồi tệ đi mối quan hệ Trung-Anh, vốn đang trong "thời đại hoàng kim" - cụm từ được Trung Quốc sử dụng để định hình quan hệ song phương kể từ chuyến thăm chính thức Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã không còn dùng cách diễn đạt này để nói về quan hệ với Anh nữa, đặc biệt sau phát ngôn của Bộ trưởng Fallon.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng nói thẳng, "Anh cần đóng vai trò quan trọng hơn trong các sự vụ quốc tế. Chúng tôi đã thảo luận nhiều, và thấy rằng Mỹ mới là đối tác an ninh của mình ở Thái Bình Dương".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại